• Trăn trở của chúng tôi

    Người và cây cỏ

    Vạn vật trong vũ trụ đều có liên hệ với nhau. Loài người được xem là vạn vật thượng tầng làm chủ mọi vật hiện hữu trên trái đất vì loài người có não bộ to, có trí khôn, có tiếng nói, có chữ viết, có triết lý, có tôn giáo, có tổ chức xã hội, có luật pháp, định chế chánh trị v.v. Loài người học hỏi lẫn nhau và còn học hỏi và nghiên cứu nhiều về thảo mộc, động vật trên mặt đất, dưới lòng đất, trên không và dưới lòng biển.

    embracingtheworld.org

    Chúng tôi cố lược ghi vài điểm tương đồng giữa loài người và cây cỏ trong bài viết nầy với hy vọng tạo cảm hứng cho người quan tâm bổ túc những phần còn thiếu sót.

    ***

    Cây cối có cấu trúc như một con người. Thân cây như thân người. Đọt cây như cái đầu; nhánh cây như tay; lá cây như lông, râu, tóc của người; rong rêu trên thân cây như hắc lào, ghẻ, u nhọt trên da người; vỏ cây như da người, nhựa cây như máu; rễ cây như chân đi tìm nguồn sống (nước và chất dinh dưỡng cho cây); hoa được ví như sự thành hôn của một người đến tuổi cập kê; trái được ví như con cái. Ong, bướm, gió là những ông, bà mai trong cuộc hôn nhân và thụ thai của thảo mộc. Cây mất nhựa như người mất máu tất phải khô héo và chết. Một số lớn cây bị lột vỏ thì chết như người bị lột da vậy. Cây quế, cây baobab (hầu cốc mộc), cây ký ninh Cinchora pubescens ... lột vỏ vẫn sống, nhưng người ta bị lột da thì không thể nào sống được.

    Cây có rễ ăn sâu dưới đất nên hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng và ít sợ bị trốc gốc khi có giông bão.

    Người năng nổ làm việc và đắc nhân tâm thì được ấm no và an toàn trong mọi tình huống.

    Cây cỏ cần đất, nước và phân tro để sống.

    Loài người cần đất để canh tác, nước để uống, canh tác và biến nước hữu dụng cho cuộc sống nhiều hơn khi đào kinh tạo thủy lộ để chuyên chở hàng hóa, tháo nước các sông lớn thường gây lũ lụt, dẫn thủy nhập điền, đào ao thả cá, dùng sức nước làm nguồn thủy điện v.v. Họ cũng cần thức ăn bổ dưỡng hàng ngày để nuôi dưỡng thân thể.

    Cây cỏ tùy thuộc vào thổ nhưỡng và vùng khí hậu. Có cây thích hợp với đất cát. Có cây thích hợp với đất phèn. Có cây thích hợp đất đỏ của dung nham núi lửa. Có cây thích hợp với đất bùn đen ẩm nước. Có cây thích hợp với đất pha lẫn chất vôi. Có cây thích hợp với đất phèn và nước mặn. Có loại thảo mộc miền xích đới. Có loại thảo mộc miền nhiệt đới và bán nhiệt đới. Có loại thảo mộc miền ôn đới hay hàn đới giá buốt. Nho, ô-liu, cam quít, bưởi thích hợp với vùng khí hậu Địa Trung Hải hay khí hậu đại dương có nhiều ánh sáng mặt trời. Cây dừa, cây cau, cao su, cà phê, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... thích hợp với vùng khí hậu nhiệt đới. Cây thông, tùng, bách hay nói chung các loại thảo mộc hình nón, lá xanh quanh năm thích hợp với khí hậu ôn đới và bán hàn đới. Rong, rêu có thể thích nghi với khí hậu hàn đới và bán hàn đới.

    Loài người cũng có sự phân chia vùng cư trú dựa vào khí hậu. Người Da Vàng tập trung ở Bắc Á (Eskimos, Yakuk), Đông Á, Trung Á. Người Á Rập Da Cà Phê Sữa tập trung ở Tây Á, Bắc Phi, lục địa Á-Âu. Người Da Đen tập trung trên lục địa Phi Châu. Người Da Hung Đỏ-Đen tập trung ở Nam Á, Đông Nam Á, hải đảo Thái Bình Dương. Người Da Đỏ thực chất là người Da Vàng từ Á Châu tiến vào lục địa Mỹ Châu và được xem là người bản địa của lục địa nầy trước khi bị người Âu Châu lấn chiếm.

    Loài người thay đổi địa bàn sống vì lý do kinh tế, tôn giáo, chánh trị và xã hội. Người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Anh và các dân tộc Âu Châu khác đổ xô về lục địa Mỹ châu. Người Anh và sau nầy một số người Âu Châu khác tìm không gian sinh tồn ở Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan. Người Hòa Lan ( Boers) và Anh đến cư ngụ ở Nam Phi. Nhiều người Pháp lập nghiệp ở Bắc Phi, ở vài quốc gia Phi châu khác trước kia là thuộc địa của Pháp hay trên đảo New Caledonia ở Nam Thái Bình Dương.

    Thảo mộc cũng có thay đổi địa bàn sống từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX. Người Tây Ban Nha đem vài loại cây ăn trái gốc ở Mỹ châu nhiệt đới như mãng cầu, mãng cầu Xiêm, lê-ki-ma, sa bô chê ... sang Phi Luật Tân. Từ đó các loại cây ăn trái nầy được du nhập vào các nước trong vùng Đông Nam Á. Cây sầu riêng, măng cụt, chôm chôm gốc ở Indonesia, Mã Lai theo chân các nhà truyền giáo đến Cái Mơn, Nhị Bình, Bình Nhâm, An Sơn, Hưng Định từ Penang. Mãi đến năm 1957 cây avocado (cây bơ hay cây trạng sư) mới được du nhập vào miền Nam Việt Nam từ Phi Luật Tân. Cây cao su được người Anh, Pháp, Hòa Lan du nhập vào Mã Lai, Việt Nam; quần đảo Indonesia từ Brazil. Đến thập niên 30 của thế kỷ XX Mã Lai, Indonesia và Việt Nam trở thành những nước sản xuất nhiều cao su nhất thế giới. Người Pháp lập nhiều đồn điền trồng trà và cà phê ở Việt Nam. Ngày nay cây bắp, cây khoai mì (sắn) không còn là cây lương thực của người Da Đỏ ở Mỹ Châu. Nho không còn là trái cây của miền ôn đới ven Địa Trung Hải nữa. Lúa gạo không còn là cây lương thực độc quyền của các quốc gia trong vùng Châu Á Gíó Mùa. Cây thuốc lá không còn là thảo mộc đặc trưng của lục địa Mỹ Châu. Hoa uất kim hương (tulip) không còn là hoa độc quyền của Hòa Lan như đã thấy vào thế kỷ XVII.

    Thức ăn của cây cỏ cũng tùy vào loại cây. Có cây hợp với Ca (chất vôi), có cây hợp với nitrate, có cây hợp với phosphate v.v. Cây ớt hợp với phân gà; cây thuốc lá hợp với phân bánh dầu, dây trầu hợp với phân tằm v.v.

    Thức ăn của loài người biến thiên tùy theo dân tộc. Các dân tộc Da Vàng và Da Hung Đỏ-Đen ở Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á ăn cơm. Các dân tộc Da Trắng ở Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và dân tộc Da Cà Phê Sữa ở Trung Đông và Bắc Phi dùng lúa mì, lúa mạch, khoai tây làm căn bản thực phẩm. Người Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên cũng có nhiều kinh nghiệm làm thức ăn từ lúa mì. Người Da Đỏ dùng bắp và khoai củ làm thức ăn chính. Nhiều dân tộc trên lục địa Phi Châu dùng các loại khoai củ làm căn bản lương thực. Người Âu Mỹ ăn nhiều thịt bò, bơ, sữa, trứng. Người Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên ăn nhiều thịt heo và cá. Người Nhật, Việt Nam, Triều Tiên, dân hải đảo Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương ăn nhiều cá. Người Do Thái, Á Rập và Hồi Giáo không ăn thịt heo nhưng ăn nhiều thịt dê và trừu. Người Ấn Độ không ăn thịt bò vì cho rằng bò là vật thiêng. Người Việt Nam ít ăn thịt bò vì bò giúp cho nông dân trong việc đồng áng. Nhìều người Việt Nam không ăn thịt trâu không lấy lý do trâu giúp cho người trong việc cày bừa và chuyên chở nông sản mà cho rằng trâu là hiện thân của Phật Bồ Tát. Người Ấn Độ ăn cà ri nấu với thịt dê, thịt gà hay thực vật v.v.

    Cây cỏ cũng có bịnh như loài người. Cây cổ thụ có vỏ sần sùi khô cằn; lá lưa thưa như người già da nhăn nheo bị ghẻ lở hay hắc lào, tóc nhuyễn và hói. Cây cỏ bị nhiệt hay băng giá giết chết tựa như loài người bị bịnh hàn nhiệt mà tử vong. Kẻ thù của sức khỏe cây cỏ là sâu rầy tựa như người bị sên, lãi hay ký sinh trùng tấn công đến bị kiệt sức mà chết. Cây bị u thành các nu tựa như người bị chứng ung thư, u bướu khiến cho tế bào gia tăng bất thường.

    Cây cỏ có tướng và số như con người. Cây có lá xanh rậm rạp và xanh tươi là cây mạnh và tốt tươi. Người râu, tóc, lông đen tuyền rậm rạp là người khỏe mạnh. Cây mọc thẳng là cây vững chắc. Người ngồi thẳng lưng hay đi thẳng người là người có nhiều sức khỏe. Cây quí chậm lớn. Người quí không đông. Có cây có hoa lá đẹp và có hương thơm. Cũng có cây có mùi hôi khó chịu như hoa tử thi bunga bangkai được biết dưới tên khoa học Amorphophallus titanium hay gai góc trông dữ tợn như cây găng gai, cây xương rồng, cây bã đậu. Có loài hoa đẹp nhưng có nhiều gai như hoa hồng. Hoa trúc đào đẹp lộng lẫy bên ngoài nhưng có nhựa độc bên trong. Trái mãng cầu ăn thơm ngon và ngọt bao nhiêu thì hột của nó độc bấy nhiêu.

    Mỗi con người đều có dòng điện nhân hậu, thông minh, u tối, chậm lụt, đạo đức, giả hình, lơ láo, nhút nhát, sợ sệt, đảm lược, anh hùng hay hung dữ, bạo tợn hiện trên nét mặt. Người hung tợn có mặt vằn vện hay có xoáy ngựa trên trán hay có từ 02, 03, 04 xoáy giữa đỉnh đầu. Cũng có người bề ngoài trông hiền lương nhưng bên trong chứa nhiều tư tưởng tàn độc, khủng khiếp. Có người tâm Phật khẩu xà. Cũng có người tâm xà khẩu Phật. Ít khi có người có ngôn, hành hợp nhất. Nhân loại thường lập đi lập lại không quá 3000 ý trong kiếp nhân sinh. Cùng một ý có nhiều người nói nhưng tại sao người nầy được khen và được người khác tín nhiệm, trong khi người kia không được người ta tin để được khen ngợi? Người được khen vì lời nói của ông ta xuất từ TÂM. Ngôn, hành hợp nhất khi nó xuất từ TÂM. Trái lại cũng lời nói ấy lại không được khen vì nó phát xuất từ ĐẦU LƯỠI. Đó là cảnh ngôn hành phân ly: NÓI hay LÀM dở, hay LỜI NÓI không song hành với VIỆC LÀM.

    Cây bắp ra trái sau một tháng rưỡi kể từ ngày gieo hột. Có một loại ổi chỉ trồng tám tháng thì có trái. Hai loại cây nầy "kết quả " quá sớm nên không có cây bắp hay cây ổi cổ thụ! Đó là luật bù trừ giữa công danh, sự nghiệp và tuổi thọ.

    Trong xã hội loài người những người thành công và có sự nghiệp quá sớm đều không thể trường thọ. Alexander Đại Đế (356 - 323 trước Tây Lịch) có sự nghiệp vĩ đại khi mới 20 tuổi. Ông mất năm 33 tuổi. Nguyễn Huệ (1752 - 1782) cầm quân năm 19 tuổi. Ông đạt đỉnh cao của quyền hành năm 37 tuổi và mất năm 40 tuổi. Nguyễn Huệ được mô tả như người có mắt sáng như điện và tiếng nói sang sảng như tiếng chuông đồng. Như vậy ông có một luồng nhân điện rất mạnh khiến cho người đối diện với ông phải khiếp sợ. Napoléon Bonaparte (1769 - 1821) lên làm Tổng Tài năm 30 tuổi và hoàng đế năm 35 tuổi. Sự nghiệp của ông sụp đổ năm 46 tuổi và ông mất năm 52 tuổi.

    Người ta thường ví những loài hoa đẹp với các mỹ nhân. Tên của phụ nữ trên thế giới mang tên các loại hoa đẹp như Hồng, Cúc, Lan, Liên (Sen), Lài, Ngọc Lan v.v. Hoa và cỏ có kiếp sống ngắn ngủi. Quỳnh hoa nở ra từ nách lá và chỉ sống vỏn vẹn một đêm. Hoa phù dung sớm nở tối tàn.

    Cây to như cây đa, cây baobab, cây bạch quả, cây sao, cây dầu, cây giáng hương,... có tuổi thọ cao. Ở Phi Châu có cây baobab 2.000 tuổi.

    Người to lớn khỏe mạnh sống thọ hơn người bé nhỏ, ốm yếu, trán hẹp, tai nhỏ, nhân trung ngắn.

    Các mỹ nhân thường chịu cảnh hồng nhan bạc mệnh. Vĩ nhân của loài người không ra đời một cách bình thường như các hài nhi khác. Cuộc đời của vĩ nhân luôn luôn lận đận và sóng gió. Những hài nhi có số vĩ nhân có dòng điện cực mạnh nên sự chào đời của họ làm chao đảo đời sống của người mẹ.

    Cỏ gấu, cỏ tranh, cỏ chỉ trở nên bất tử sau khi bị dẩy hay đốt vì có củ và rễ nằm sâu dưới đất, chỉ cần một trận mưa thì sanh sôi nẩy nở.

    Con người trở nên bất tử nếu có đông đảo con cháu nối dõi tông đường. Định luật sinh tồn cho thấy cảnh:

    Con một, cháu bầy.

    Cây có ngũ vị: chua (chanh), ngọt (mía), cay (ớt), mặn (cây muối - salt tree - diêm phù mộc Rhus javanica), đắng (vỏ cây ký ninh).

    Cơ thể con người có ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận). Mỗi tạng tiêu biểu cho một màu và một vị. Ngũ vị tử là trái có năm vị. Người Anh gọi ngũ vị tử là Kadsura vine. Có hai loại ngũ vị tử:

    1- Ngũ vị tử Nhật Kadsura japonica.
    2- Ngũ vị tử Trung Hoa Schisandra chinensis.

    Như xã hội loài người, cộng đồng thảo mộc cũng có đẳng cấp, tình thương, phân công, phân nhiệm và tinh thần hợp quần. Cây cỏ sống chen chúc với nhau để không bị giông bão xô ngã. Cây gần nhà được người chăm sóc kỹ lưỡng nên tốt tươi hơn cây trồng ở xa nhà. Cây khô héo là điềm xấu cho chủ nhà. Nó nói lên sự lười biếng chăm sóc của chủ nhà hay điềm không may cho ông nếu sự khô héo ấy không phải là hậu quả của sự lười biếng của ông ta.

    Loài người sống hợp quần để tự vệ chống dã thú, cướp bóc và tương trợ nhau khi bị thiên tai (động đất, lụt lội, bão tố, hạn hán, hoàng trùng, sơn bàng, thủy kiệt). Người được chăm sóc hay được người khác quan tâm có tình cảm dồi dào hơn người bị bỏ rơi ngoài xã hội.

    Cây to dùng nhựa sống của mình để nuôi các dây leo, chùm gởi và dùng thân của mình để cho các loại dây leo tìm ánh sáng mặt trời. Đó là cảnh tương trợ và đùm bọc của người lớn đối với người nhỏ, người mạnh đối với người yếu, người khá giả đối với người bần cùng để cùng cộng đồng sinh tồn và được hưởng ánh sáng và không khí tự do.

    Cây cỏ sinh ra trong tự do trong trạng thái thiên nhiên. Chúng khép mình trong một khuôn khổ nào đó (trồng theo hàng, đồng khoảng cách, bị rong nhánh hay tỉa ngọn...) sau khi được loài người thuần hóa. Trong trạng thái hoang dại cây to áng cây nhỏ khiến cho cây nhỏ không có ánh sáng mặt trời. Cây nhỏ phải tự uốn mình để tránh khỏi sự che khuất của cây lớn hầu tìm ánh sáng mặt trời.

    Con người sinh ra trong tự do và khép mình trước luật pháp và các định chế chánh trị-xã hội để bản thân được an toàn và xã hội, quốc gia được an ninh và trật tự. Đôi khi họ bị chính đồng loại của họ cướp mất tự do. Việc tìm tự do của loài người không dễ dàng như cây đi tìm ánh sáng mặt trời vì nó đòi hỏi người yêu chuộng tự do phải dứt khoát và dũng cảm:

    a- Một là từ bỏ nơi cướp tự do của mình đi tìm sinh lộ ở nơi tôn trọng tự do và nhân phẩm con người.

    b- Hai là phải bày tỏ thái độ quyết liệt yêu tự do trước người cướp tự do của mình. Nói một cách hiền hòa, từ tốn sự bày tỏ thái độ quyết liệt tựa như người bịnh nhất quyết không chịu uống thuốc cũ mà bác sĩ đã cho. Nếu bác sĩ không cho thuốc mới thì người bịnh phải chọn bác sĩ khác vậy. Im lặng đồng nghĩa với chấp nhận hay tán đồng.

    Cây tốt ra trái tốt. Trái tốt được đem bán ở phương xa. Trái đèo khô héo rụng xuống đất và mọc lên cây con bên cạnh cây mẹ.

    Người có con cái hữu tài, hữu dụng phải sống xa con vì con cái phục vụ xa nhà, thậm chí có khi làm việc ở nước ngoài. Chỉ những người con kém may mắn về sức khỏe và sự phát triển tài năng thường sống nương nhờ cha mẹ lúc nhỏ, trở thành người phụng dưỡng cha mẹ khi vào tuổi hoàng hôn của cuộc đời.

    Cây cỏ được tạo ra và có sự phân công rõ rệt. Cây tre có nhiều công dụng trong đời sống các dân tộc Á Châu như Việt Nam, Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, các dân tộc ở Nam Á, Đông Nam Á và hải đảo Thái Bình Dương. Cây thông rất đa dụng ở các nước Âu Châu, Bắc Mỹ, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan. Có cây cho trái ngon được trồng thành vườn. Có cây có hoa đẹp và thơm được dùng làm quà tặng hay chưng trên bàn thờ một cách trịnh trọng. Có cây to lớn dùng để khai thác gỗ dùng trong kiến trúc, đóng thuyền bè và vật dụng trong nhà. Có cây gỗ trung bình dùng để làm quan tài. Có cây trồng ở vùng khô hạn để có bóng mát, ngăn chận tình trạng sa mạc hóa. Có cây thích hợp với vùng nước mặn có công dụng chống xâm thực ở vùng duyên hải. Có cây lương thực. Có cây được dùng trong kỹ nghệ. Có cây chóng lớn và có lá đẹp được trồng ven đường phố để có bóng mát và thanh lọc không khí. Có cây chỉ cho củi đốt. Có cây dùng để làm thuốc. Rong biển là thức ăn được ưa thích ở Nhật, Triều Tiên và cũng là một loại thủy dược thảo. Cỏ dại được phơi khô và đốt để lấy tro bón vào các loại cây khác. Các loại cây độc đôi khi được dùng để trị các nan chứng trên cơ sở lấy độc trị độc. Cây cỏ nào cũng có công dụng và lợi ích của chúng. Vạn vật không thiếu không thừa.

    Sắc đẹp là phần thưởng mà Thương Đế ban cho loài người, động vật và thảo mộc. Nó là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công và hạnh phúc của con người. Ngành ngoại giao, hát xướng và nói chung mọi ngành hoạt động khác đều cần đến người nam hay nữ đại diện có hình dáng đẹp mắt, dễ nhìn. Dù thuộc đẳng cấp nào cây cỏ cũng có cộng dụng riêng của chúng. Con người nào trong xã hội loài người dù ở cấp hạng nào cũng hữu ích nếu biết xử dụng đúng người, đúng việc và đúng lúc. Trong loạn lạc công tác ám sát, đặc công, không thể sử dụng thầy tu hay các nho gia, trí thức được. Đó là lúc những anh hùng bạt mạng có môi trường hoạt động với kết quả tốt nhất.

    Con người đấu tranh cho sự bình đẳng. Trong vũ trụ lúc nào cũng có những bất bình đẳng tự nhiên. Có nơi cao, có nơi thấp, nơi trù phú, nơi khô cằn hay giá buốt, nơi hoang vu và nơi đô hội phồn hoa. Cây cỏ cũng có cây đẹp, cây xấu; cây hữu hương, hữu sắc và cây vô hương, vô sắc; cây có trái ngon và cây có trái độc; cây được yêu quí và cây bị bỏ bê, thậm chí còn bị đốn ngã để làm củi chụm. Loài hoa đẹp được chưng ở nơi trang trọng trong nhà trong khi hột gạo nuôi sống con người chỉ được đựng trong một hũ sành thô dại đặt trong một góc tối của nhà bếp. Cành mai, cành đào, cây lộc vừng tức cây mưng, cây chiết Barringtonia spicata... được trân quí vì óc vị lợi tự nhiên của loài người mong cầu may mắn (cây mai), bình an (cây đào trù yểm quỉ) và lợi lộc (cây lộc vừng hay cây mưng). Cây gõ, trắc, cẩm lai, huỳnh đường không thể đồng đẳng với cây bần, cây đước, cây vẹt, cây mắm ở miền rừng sát được. Giá bán ngoài thị trường cho thấy như thế. Đôi khi giá trị một vật không tùy thuộc trọng lượng, công dụng hay nhu cầu hàng ngày. Một viên kim cương nhỏ trị giá bằng hàng trăm bao gạo và hàng ngàn bao muối. Đó là giá trị được toàn thể loài người chấp nhận mặc dù lý trí vẫn cho là có cái gì bất hợp lý.

    Con người bình đẳng trước pháp luật, trong nhu cầu sống, nhu cầu giáo dục, nhu cầu tín ngưỡng, nhu cầu được hưởng quyền làm người,... nhưng không thể bình đẳng về lợi tức và địa vị xã hội giữa người thông minh và người có trí tuệ chậm lụt, giữa người siêng năng và người lười biếng, giữa người hoạt động và người thụ động, giữa người được đào luyện, người có giáo dục và có học vị với người thiếu hẳn các thứ ấy v.v. Điều không ai chối cãi được là trong xã hội loài người lúc nào cũng có người nghèo, người giàu, người đẹp, người xấu xí, người cao thượng, người đốn mạt, người dũng cảm, người hèn nhát, người lanh lợi, người trì độn, người khéo léo, người vụng về, người khỏe mạnh, người yếu đuối, người siêng năng, người lười biếng, người chăm chỉ, cẩn thận, người cẩu thả, bê tha v.v. Trường học luôn luôn có nhiều cấp lớp khác nhau. Trong cùng một lớp vẫn có thứ hạng và sự thưởng phạt khác nhau. Tôn giáo cũng có giáo phẩm. Quân đội nào cũng có đẳng cấp. Đẳng cấp được tìm thấy khắp nơi trên địa cầu và trong mọi sinh hoạt của loài người từ khi có xã hội loài người. Loài ong, kiến, mối mọt cũng có tổ chức và tôn ty trật tự sá chi xã hội loài người. Vạn sự có tính tương đối của chúng. Sự vẹn toàn và tuyệt đối khó tìm thấy trên hành tinh nầy.

    Cây có gỗ quí phải có từ 50, 60 tuổi trở lên. Muốn đào luyện một chuyên gia hữu dụng ít ra phải mất 20 năm với điều kiện người học lãnh hội suôn sẻ và dễ dàng những gì thầy đã dạy. Nhân giống một cây quí cũng khó khăn và mất nhiều thời gian như việc đào luyện một nhân tài cho đất nước. Người thích trồng cây to là người chú trọng đến việc tạo sự hữu dụng cho thế hệ tương lai và là người yêu chuộng tự do khi để cho cây phát triển một cách tự nhiên. Nơi nào người ta thích đốn chặt cây to, nơi đó nhân tài không được tôn trọng và có thể gặp tai họa. Đó là cảnh:

    Cây không trồng không tiếc,
    Con chẳng đẻ chẳng thương.

    Cây muốn lặng nhưng gió chẳng dừng. Cây cỏ cần mưa vì cần nước nhưng sợ gió. Gió nhẹ rung cây. Gió lớn làm ngã cây. Con người cần sự sống nhưng không phải sự sống lúc nào cũng bình lặng trơn tru. Cây muốn lặng giống như loài người muốn hòa bình và cảnh sống thái bình nhưng có muôn ngàn cảnh sóng gió đe dọa hòa bình và cuộc sống bình lặng.

    Ngày xưa vua chúa gọi dân chúng là thảo dân và tự xem mình là đại phong. Gió thổi, cỏ phải rạp mình như thần dân (thảo dân) rạp mình trước uy lịnh của vua chúa tức người cầm quyền.

    Điều đáng chú ý là khi có giông to, gió lớn thì cây to lại bị ngã quị giữa lúc loài lau sậy và cỏ thấp lè tè lại không hề hấn gì.

    Khi có biến động chánh trị lớn trong nước chính các vua chúa bị giết chết chớ không phải thảo dân. Cây sậy không bị trốc gốc vì thân ốm yếu và dẻo dai nên dễ linh động trước cuồng phong. Cỏ không bị giông to gió lớn bứng gốc vì nhẹ và thấp lè tè.

    ***

    Cây cỏ là nguồn lương thực, nguồn thuốc trị bệnh, nguồn cảm hứng trong văn chương thi phú của loài người. Cây cỏ tạo bóng mát, vẻ mỹ quan trong nhà và ngoài phố, thanh lọc không khí, ngăn ngừa xâm thực (gíó, nước mưa, nước sông, nước biển), sa mạc hóa và sa thạch hóa đất đai vì nhiệt mặt trời. Càng phá rừng nhân loại càng bị lụt lội đe dọa thường xuyên mỗi khi tuyết tan hay mưa to gió lớn. Loài người dùng hình ảnh của cây cỏ và đặc tính của chúng để có những ví von như cay như ớt, gay gắt như gừng già, đắng như thuốc Bắc, thơm nồng như quế, lời nói chua chanh, cao như cây tre miễu, má hồng đào, bổ như sâm Cao Ly v.v. Cây cỏ gợi cho loài người về nguồn gốc của mình với:

    Cây có cội,
    Nước có nguồn.

    Chúng cũng gợi lên sức mạnh của sự đoàn kết với:

    Một cây làm chẳng nên non,
    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

    Sự thay đổi địa bàn sống của cây cỏ như nhắc nhở loài người phải thích ứng với môi trường sống để được yên vui và hạnh phúc. Môi trường sống mới gồm đất, nước, khí hậu, thức ăn, ngôn ngữ, tập quán trong môi trường mới và hoàn cảnh mới. Người Nhật nổi tiếng yêu cây cỏ. Vì vậy ở Nhật còn nhiều cây cổ thụ như những cây bạch quả từ 500 đến 1.000 tuổi chẳng hạn. Người Nhật ăn cơm như người Việt Nam. Nhưng nếu giá lúa mì rẻ hơn giá gạo, họ bỏ cơm, ăn bánh mì để tiết kiệm tiền bạc. Trước đệ nhị thế chiến Nhật phải nhập cảng lúa gạo. Ngày nay Nhật sản xuất và xuất cảng gạo ngon với giá cao để mua gạo kém phẩm chất hơn một chút về ăn với giá rẻ để quốc gia có thêm ngoại tệ. Việc làm nầy có vẻ đơn giản nhưng không phải dễ làm nếu tập thể dân tộc không cùng chung một ý thức tự giác. Nó đem lại kết quả tốt đẹp cho nền kinh tế nông nghiệp Nhật, một quốc gia có nhiều núi, rừng. Diện tích đất đai canh tác chỉ chiếm 15% tổng diện tích quốc gia.

    Chúng tôi xin dừng bài viết ở đây và nhờ độc giả bổ túc những phần thiếu sót không có trong bài viết nầy.

    Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

    Nguồn: art2all.net

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU