• Thông tin hữu ích

    Tiêu chuẩn "5 không" - xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp
    Thứ tư, 16:09 Ngày 02/03/2022

    Quy trình hữu cơ đạt tiêu chuẩn "5 không" gồm: Không thuốc diệt cỏ; không thuốc trừ sâu; không chất bảo quản; không chất kích thích, tăng trưởng; không dư lượng hóa chất độc hại.

    Phải coi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phân bón hữu là một đạo lý

    Mở đầu cuộc trao đổi với PV Dân trí về chủ đề sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ để tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo định hướng chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), PGS.TS. Phạm Thị Vượng - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ Thực vật (BVTV) Việt Nam - đã dẫn lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đó là: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay sử dụng phân bón hữu cơ phải trở thành đạo lý. Do đó, chúng ta cần phải tuyên truyền cho người nông dân biết, bên cạnh lợi ích kinh tế, người nông dân cần nhận thức, lợi ích môi trường để lại cho đời sau là vô cùng quan trọng.

    Bà Vượng thông tin, theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), hiện nay hiệu quả sử dụng phân bón hóa học ở nhiều vùng đất của Việt Nam chỉ đạt 30-40%, vì phân hóa học không làm cho đất tơi xốp, cây khó hấp thụ, dễ bị rửa trôi và dẫn đến lãng phí phân bón.

    Trong khi đó, bón phân hữu cơ vi sinh và sinh học vào đất, ngoài việc cung cấp chất hữu cơ, chất sinh học, còn làm tăng độ phì nhiêu của đất thông qua việc cung cấp các chủng vi sinh vật tốt hơn cho đất. Phân bón hữu cơ vi sinh và sinh học còn làm tăng hiệu quả của việc sử dụng phân bón hóa học.

    "Nơi nào hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ thì tôi chưa nói, nhưng nếu nơi nào mà sử dụng phân bón hữu cơ như là phân bón nền cho sản xuất nông nghiệp, sau đó người ta sử dụng phân bón hóa học bón cùng thì hiệu quả của phân bón hóa học rất tốt" -  bà Vượng nói.

    Tiêu chuẩn 5 không  - xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp  - 1

    Mô hình trồng su su ở Tam Đảo - Vĩnh Phúc sử dụng phân bón hữu cơ (Ảnh: Nguyễn Dương).

    Theo bà Vượng, khi bón phân hữu cơ vào đất, các chủng vi sinh trong phân đã góp phần ức chế một số đối tượng dịch hại trong đất. Do đó, cây trồng sẽ hấp thụ được các dinh dưỡng cân đối hơn, cây trồng khỏe hơn (lá cứng, dày,…). Cây có khả năng chống chịu được với điều kiện bất thuận của thời tiết như nắng hạn, khô hoặc rét và tăng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là các "tập đoàn" sâu bệnh trong đất - là những loại sâu vô cùng khó chữa.

    Nói tiếp về hiệu quả của phân bón hữu cơ, bà Vượng dẫn chứng, những mô hình thí điểm của đơn vị đã chứng minh Khi sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và sinh học, số lượng giun và các chủng vi sinh vật có ích tăng lên; đặc biệt, tỷ lệ hữu cơ so với dinh dưỡng đa lượng NPK đã tăng lên và kim loại nặng tồn dư do nhiều năm chúng ta lạm dụng hóa chất đã giảm đáng kể trong đất…

    "Sản phẩm chúng tôi thu hoạch và phân tích thì không có chút dư lượng NPK nào. Đặc biệt dư lượng Nitrat là vấn đề nhức nhối trong quá trình lạm dụng phân bón hóa học, thì hoàn toàn không có trong các mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng phân hữu cơ. Các chất như kim loại nặng hoàn toàn biến mất và đó là lý do tại sao sản phẩm nông sản hữu cơ vừa ngon, vừa phát huy hiệu quả của phân bón, môi trường được cải thiện và bán với giá thành cao" - bà Vượng nhấn mạnh.

    Cuối cùng bà Vượng kết luận, sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ sẽ mang lại một chữ L và hai chữ H. Chữ L nghĩa là đem lại lợi nhuận, lãi, lời cho người sản xuất; hai chữ H là "hạnh phúc", "hồi sinh", người bán hàng cảm hạnh phúc khi bán những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và người tiêu dùng cũng cảm thấy hạnh phúc khi được sử dụng những sản phẩm an toàn trong mỗi bữa ăn. Ngoài ra, người nông dân sử dụng phân bón hữu cơ sẽ hạn chế phải phun thuốc bảo vệ thực vật, sức khỏe được hồi phục và những vùng đất vì thế cũng được hồi sinh.

    Sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay theo hướng hữu cơ là con đường phải đi

    Ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ của người dân ngày càng tăng nên những năm qua tỉnh Vĩnh Phúc đã vào cuộc quyết liệt, có nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân sản xuất sạch.

    "Tính riêng năm 2021, tỉnh đã chi khoảng 60 tỷ đồng cho các chính sách hỗ trợ nông nghiệp an toàn, bao gồm: Sản xuất theo hướng VietGap, sản xuất theo hướng hữu cơ, xử lý rơm rạ, diệt chuột, xử lý môi trường, chăn nuôi, thủy sản… trong đó, riêng trồng trọt chiếm số vốn khoảng 40-50 tỷ đồng" - ông Dũng thông tin.

    Tiêu chuẩn 5 không  - xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp  - 2

    Ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Nguyễn Dương).

    Theo ông Dũng, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hay hữu cơ là "con đường chúng ta phải đi". Tuy nhiên, ông băn khoăn mấy vấn đề, đó là: Làm thế nào để những nơi người dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay theo hướng hữu cơ phải được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Việc này nhằm mục đích phân biệt sản phẩm nông sản hữu cơ trên thị trường, để người tiêu dùng dễ nhận biết.

    "Việc cấp mã số vùng trồng Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục Bảo vệ thực vật làm, nhưng chỉ đối với các sản phẩm xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT từng nói, việc cấp mã số vùng trồng không chỉ cấp cho sản phẩm xuất khẩu mà cả sản phẩm tiêu thụ nội địa cũng phải  làm. Hiện nay, các vùng trồng rau hữu cơ muốn đưa vào các bếp ăn các nhà máy trên địa bàn Vĩnh Phúc họ cũng yêu cầu mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT nên ủy quyền cho Sở NN&PTNT, để các Sở giao cho bộ phận chuyên môn thực hiện, có như vậy mới đẩy nhanh việc cấp mã số vùng trồng được" - ông Dũng kiến nghị.

    Trồng su su với loại phân bón theo tiêu chuẩn "5 không"

    Có mặt vùng nguyên liệu su su được sản xuất theo quy trình hữu cơ đạt tiêu chuẩn "5 không": Không thuốc diệt cỏ; không thuốc trừ sâu; không chất bảo quản; không chất kích thích, tăng trưởng; không dư lượng hóa chất độc hại, tại thôn Làng Hạ (xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc), chúng tôi được nghe bà Lê Thị Chín chia sẻ về tác dụng của loại phân bón hữu cơ này.

    Theo bà Chín, bón loại phân này đất tơi xốp hơn, không có sâu bệnh và hoàn toàn không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, ngọn su su ra nhiều hơn, mập, giòn và năng suất cao hơn.

    Tiêu chuẩn 5 không  - xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp  - 3

    Bà Lê Thị Chín cho biết, trồng su su sử dụng phân bón hữu cơ cho năng suất cao hơn, ngọn su su mập và giòn hơn. (Ảnh: Nguyễn Dương).

    "Trước đây, chúng tôi chăm sóc su su theo kinh nghiệm truyền thống là chính, chủ yếu sử dụng phân vô cơ, có sâu bệnh thì phun thuốc diệt trừ, nay không ngờ khi sử dụng phân bón hữu cơ, hiệu quả canh tác lại cao đến vậy. Su su không những cho ngọn nhiều hơn, mập mạp hơn mà còn được giá cao hơn khi các thương lái biết rau nhà tôi canh tác theo hướng hữu cơ" - bà Chín nói.

    Bà Chín tiết lộ, khi vào vụ, bình quân 2 ngày một lần bà được thu hoạch ngọn su su. Nếu những ruộng su su canh tác theo phương pháp thông thường chỉ thu được 35 - 40 kg/sào/lần hái, thì ruộng nhà bà Chín cho sản lượng tới 45 - 50 kg/sào/lần hái.

    Với giá bán bình quân 14.000 - 15.000 đồng/kg su su hiện nay, mỗi lần thu hoạch, bà Chín bỏ túi 600.000 - 700.000 đồng. Như vậy, bà có thể thu cả chục triệu đồng/tháng nhờ 2 sào su su, trong khi mỗi vụ su su có thể thu hoạch kéo dài 7 - 8 tháng.

    Nguồn: Báo điện tử Dantri

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU