• Thông tin hữu ích

    Vợ chồng GS “biết tuốt” Nguyễn Lân Dũng bị ung thư và giải pháp chống thuốc trừ sâu hóa học (Kì 1): Nỗi đau của cả dân tộc
    Thứ ba, 08:24 Ngày 22/08/2023

    Là những giáo sư đầu ngành ở các lĩnh vực vi sinh vật và y học, đồng thời sống rất lành mạnh nhưng vợ chồng GS Nguyễn Lân Dũng đều mắc ung thư. Nguyên nhân không khó chỉ ra, nhưng để giải quyết triệt để cần rất nhiều công sức và thời gian.

    null

    Dù sống lành mạnh nhưng vợ chồng giáo sư Nguyễn Lân Dũng đều mắc bệnh ung thư

    Sống lành mạnh vẫn bị “thần chết gõ cửa”

    Thế hệ 7X, 8X và đầu 9X có lẽ vẫn chưa quên Giáo sư "biết tuốt” Nguyễn Lân Dũng trên các chương trình khoa học của VTV. Với gương mặt phúc hậu cùng những câu trả lời hóm hỉnh, GS vi sinh vật Nguyễn Lân Dũng được coi là “tuổi thơ” của nhiều thế hệ. Ngoài ra, GS Nguyễn Lân Dũng còn để lại dấu ấn với vai trò Đại biểu Quốc hội. Những phát biểu đầy tâm huyết của giáo sư tại nghị trường về nhiều vấn đề nóng hổi của xã hội thể hiện cái tâm, cái tầm của một giáo sư đầu ngành. Thế nhưng trong vài năm gần đây, tần suất xuất hiện của GS Nguyễn Lân Dũng ít hẳn, thậm chí có quãng thời gian ông gần như “mất tích”. Ngoài việc đã về hưu và cũng cao tuổi, lý do chính khiến giáo sư ít xuất hiện lại liên quan đến vấn đề sức khỏe. Theo GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, cách đây vài năm trong một lần khám sức khỏe định kì tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội do con trai ông PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu làm Giám đốc, ông được chẩn đoán mắc bệnh hiểm nghèo - ung thư. GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho biết, vợ ông PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc BVTƯ Quân đội 108 gần đây cũng phải điều trị ung thư. Vậy tại sao vợ chồng GS Nguyễn Lân Dũng sống lành mạnh, không rượu bia, không hút thuốc lá nhưng lại bị “thần chết gõ cửa”? Không khó để GS Nguyễn Lân Dũng tìm ra câu trả lời. Ông cho rằng, mấy chục năm qua vợ chồng ông ăn rau và các loại hoa quả “mùa nào thức ấy” mua ngoài chợ. Tất nhiên mua ngoài chợ thì khó lòng biết loại rau nào, hoa quả nào không có thuốc trừ sâu. Nông nghiệp Việt Nam đã sử dụng và lạm dụng thuốc trừ sâu quá nhiều. Đặc biệt, người nông dân thường trồng 2 ruộng rau, một ruộng để ăn còn một ruộng để bán. Ruộng để ăn không phun thuốc gì, rau mọc chậm, mẫu mã xấu. Ruộng để bán thì xanh mơn mởn, vì có thuốc trừ sâu nên mùa nào cũng được mùa. Đó thực sự là một vấn nạn hầu như ai cũng biết, nhưng chưa thể giải quyết triệt để. Rất may mắn, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, cả 2 vợ chồng GS Nguyễn Lân Dũng đều chiến thắng được “tử thần”. Trải qua những đợt hóa trị mệt mỏi, giờ đây vợ chồng GS Nguyễn Lân Dũng đã trở lại cuộc sống bình thường, để ông có thể tiếp tục cống hiến cho nền khoa học nước nhà cùng nỗi trăn trở, làm sao để giảm bớt số lượng bệnh nhân ung thư?

    Những con số khủng khiếp

    Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2017 Việt Nam nhập 126.000 tấn thuốc trừ sâu. Năm 2018 số lượng có bớt đi nhưng cũng còn tới 83.000 tấn và 10 tháng đầu năm 2019 còn 76.000 tấn. Việc sử dụng thuốc trừ sâu và các loại thuốc BVTV thiếu kiểm soát đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, nông dân phun thuốc trừ sâu trên ruộng đồng thiếu đồ bảo hộ và môi trường. Đó là lý do tại sao tỉ lệ mắc ung thư của Việt Nam tăng chóng mặt trong những năm gần đây.

    Giáo sư "biết tuốt" Nguyễn Lân Dũng có rất nhiều đóng góp cho xã hội

    Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người. Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm. Còn ở Việt Nam, chỉ trong vòng 2 năm, số bệnh nhân ung thư phát hiện mới tăng thêm 11% và số bệnh nhân tử vong do ung thư tăng thêm 7% so với năm 2018. Theo số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân bệnh tật hàng đầu. Những con số này làm cho ung thư trở nên là căn bệnh nguy hiểm và là nguyên nhân gây chết hàng đầu ở những nước đã phát triển và nguyên nhân đứng hàng thứ hai ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

    Hà Dũng

    Nguồn: nongnghiephuucovn

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU