• Thông tin hữu ích

    VAI TRÒ CỦA SILICON TRONG SẢN XUẤT LÚA BỀN VỮNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CHO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
    Thứ ba, 13:45 Ngày 12/09/2023

    VAI TRÒ CỦA SILICON TRONG SẢN XUẤT LÚA BỀN VỮNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CHO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG Nguyễn Thế Cường Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long

    Tóm tắt:

    Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được coi là một trong ba đồng bằng châu thổ chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Để giảm thiểu và thích nghi với biến đổi khí hậu, việc tích hợp các giải pháp công nghệ trong sản xuất lúa là rất cần thiết. Quản lý dinh dưỡng tổng hợp cho cây lúa xem xét Silicon (Si) là một chất dinh dưỡng quan trọng là một trong những giải pháp trong đó. Si giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh và chống chịu các yếu tố bất lợi sinh học và phi sinh học. Áp dụng Silicon không chỉ giúp tăng năng suất và cải thiện chất lượng của lúa, mà còn giúp giảm chi phí và tăng thu nhập trong sản xuất lúa. Mặc dù Silicon đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và năng suất của cây lúa và đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên, ở Việt Nam, sự hiểu biết và áp dụng sản phẩm phân bón chứa Silicon trong sản xuất lúa nói riêng và cây trồng nói chung vẫn còn hạn chế. Bài tham luận này tập trung vào việc phân tích vai trò và lợi ích của Silicon trong sản xuất lúa bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng ĐBSCL.

    I. MỜ ĐẦU:

    Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa chính của cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa gạo và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu, với diện tích sản xuất lúa khoảng 3,9 triệu ha và tổng sản lượng lúa bình quân khoảng 25 triệu tấn / năm. Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL trong những năm gần đây gặp rất nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, suy thoái tài nguyên đất và ô nhiễm môi trường đất – nước do sử dụng quá nhiều chất hóa học, giá cả bấp bênh, dịch bệnh ... Theo một đánh giá của Ngân hàng thế giới ước tính hàng năm khoảng 140.000 tấn phân đạm, 82.000 tấn phân lân và 66.000 tấn phân kali bị lãng phí do sử dụng quá mức trong canh tác lúa. Đối với thuốc trừ sâu bình quân 1 ha lúa / năm ở ĐBSCL nông dân sử dụng khoảng 7 kg thuốc hóa học nguyên chất (active ingredient), trong đó cao nhất là thuốc trừ bệnh 2,7kg, kế đến là thuốc trừ cỏ 1,74kg, thuốc diệt ốc bươu vàng 1,33kg, thuốc sâu 1,26kg (WB 2017). Hàng năm ở ĐBSCL có khoảng 25 triệu tấn rơm rạ được tạo ra, khoảng 50% tổng lượng rơm rạ được đốt sau khi thu hoạch chủ yếu trong vụ Đông Xuân và Xuân Hè; một phần được thu gom dùng làm nấm rơm, phụ phẩm làm phân hữu cơ, phần lớn trấu được sử dụng làm chất đốt. Để ứng phó với những thách thức nói trên, tích hợp các 2 giải pháp công nghệ vào quy trình sản xuất trở nên cực kỳ quan trọng. Và trong đó, Silicon (Si) cần được quan tâm là một yếu tố không thể thiếu trong hợp phần giải pháp công nghệ tổng hợp trong sản xuất lúa. Silicon không chỉ là một chất dinh dưỡng quan trọng, mà còn có khả năng làm cho cây lúa phát triển mạnh mẽ hơn, giúp chống lại các tác động bất lợi từ môi trường như biến đổi khí hậu, sâu bệnh, và thời tiết cực đoạn như hạn mặn, ô nhiễm môi trường. Việc áp dụng của Silicon không chỉ làm tăng năng suất mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp giảm chi phí sản xuất, giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học và tăng thu nhập cho người nông dân. Mặc dù Silicon đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã chứng minh vai trò quan trọng của nó trong sản xuất lúa, thế nhưng ở Việt Nam, sự hiểu biết và ứng dụng sản phẩm phân bón chứa Silicon vẫn còn hạn chế. Do đó, bài tham luận này sẽ tập trung phân tích vai trò quan trọng và lợi ích của Silicon trong sản xuất lúa bền vững (SRP) ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

    II. TỔNG QUAN VỀ SILICON: 1. Đặc tính, ứng dụng và tên gọi:

    - Silicon (Si) là nguyên tố hóa học có số nguyên tử 14 và hóa trị 4. Nó là chất rắn cứng, giòn, màu xanh xám và có tính kim loại. Silicon là nguyên tố phổ biến thứ hai trong vỏ trái đất sau Oxy, và chiếm khoảng 28,8% tổng khối lượng của vỏ trái đất. Silicon ít tồn tại dưới dạng nguyên chất mà thường xuất hiện dưới dạng hợp chất Silicate như cát, đá tinh thể, đá lửa, thạch anh, đất sét … - Silicon có ứng dụng rất rộng rãi và phổ biến trong sản xuất và đời sống con người. Silicon có trong các sản phẩm dùng cho lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, chất bán dẫn, chip điện tử, pin mặt trời, chất chống thấm … Silicon cũng được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực y tế và sức khỏe con người, mỹ phẩm, chất mang thuốc đặc trị dưới dạng hạt na nô … Trong trồng trọt, Silicon được xem là một trong những chất dinh dưỡng có ích (dinh dưỡng chức năng) cải thiện độ phì nhiêu của đất, giúp cây sinh trưởng phát triển và tăng năng suất, cung cấp sức đề kháng về cơ học cho cây, giúp cho cây có khả năng chống chịu với các điều bất lợi sinh học và phi sinh học, cải thiện khả năng giải độc tố của cây … - Hợp chất có chứa Silicon có tên gọi khác nhau tùy vào thành phần, tính chất và cấu trúc khác nhau. Một số hợp chất chính có chứa Silicon bao gồm: (1) Silica (Silicon đi ô xít): có công thức là SiO2, là thành phần chủ yếu cấu thành nên cát, (2) Silicates (Hợp chất Silicat): Là các hợp chất kết hợp Silicon với các cation như Ca+2, K+ , Mg+ và Na+ , tạo thành cấu trúc tinh thể định hình hoặc không định hình, ví dụ như CaSiO3, 3 K2SiO3, Na2SiO3 và MgSiO3, (3) Silicic axít: Có công thức H4SiO4 (còn gọi là axit monosilicic hoặc axit orthosilicic). Đây là dạng Silicon hòa tan trong đất, và cây trồng có thể hấp thụ qua bộ rễ, và (4) Silicone: Có công thức chung là R2SiO, trong đó R là nhóm hữu cơ. Silicone được sử dụng rộng rãi trong sản xuất chất dẻo và các hợp chất tổng hợp giống cao su. 2. Silicon trong đất và cây: Tổng hàm lượng Si trong đất thường dao động từ 25 đến 35%, trung bình là 30%, phụ thuộc rất nhiều vào loại đất. Tuy nhiên, trong một số loại đất đã trải qua quá trình phong hóa mạnh ở vùng nhiệt đới, hàm lượng Si có thể thấp hơn 1%. Hàm lượng Si và tính sẵn có của Si trong đất phụ thuộc rất nhiều vào quá trình hình thành đất và loại đất. Si chủ yếu tồn tại trong đất bao gồm các loại aluminosilicate và hợp chất silicates khác nhau, có thể chiếm từ 75 đến 95%. Ngoại trừ đất chứa nhiều hữu cơ, hầu hết đất khoáng là được tạo nên từ cát (chủ yếu là SiO2). Những dạng hợp chất silicat này có tính hòa tan rất thấp và thường là chất trơ cây không hấp thụ được. Sự hình thành và hữu dụng của Silicon trong đất đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ sinh thái sinh vật, bởi Si là dinh dưỡng có lợi cho sự phát triển của thực vật. Phản ứng sinh hóa có liên quan đến Si rất phức tạp so với các nguyên tố khác trong đất bởi tốc độ phản ứng của Si tương đối chậm và phụ thuộc vào loại Si. Axit monosilicic hoặc axit orthosilicic (H4SiO4) là dạng duy nhất của Si có thể tan trong nước và được cây hấp thụ, trong khi axit poly-silicic (axit silicic polymer hóa) chỉ có tính tan một phần trong đất. Si tan trong nước tồn tại trong dung dịch đất và có thể bị hấp phụ trên bề mặt của keo đất. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến hàm lượng silic hữu dụng trong đất hoặc khả năng cung cấp silic hữu dụng bao gồm loại đất, sự thay đổi trong quá trình sử dụng đất, độ pH của đất, cấu trúc đất, độ Eh (thế ô xy hóa khử) của đất, hàm lượng chất hữu cơ, nhiệt độ, độ ẩm và các ion đi kèm. Si không phải là một nguyên tố di động đối với cây trồng, do đó cần cung cấp và bổ sung Si thường xuyên cho cây. Cung cấp Si cũng giúp cải thiện lý hóa tính và các thuộc tính sinh học của đất. Nồng độ Si trong các bộ phận trong cây có sự biến động lớn giữa các loài cây và tuổi cây, dao động từ 0.1 đến 10% Si theo trọng lượng khô. Cây trồng có thể được phân loại thành 2 nhóm dựa trên khả năng tích lũy Si: 1) Nhóm tích lũy Si (>1% hàm lượng Si trong chất khô) là những cây thuộc nhóm hòa bản (poacea) như cây lúa, lúa mì, mía và một số loại cây 2 lá mầm; 2) Nhóm không tích lũy Si (<1% hàm lượng Si trong chất khô) gồm đa số các loại cây hai lá mầm như nhóm cây họ đậu, họ cà … 3. Lợi ích của Silicon đối với cây trồng: Căng thẳng (stress) có thể xuất phát từ các yếu tố bên ngoài và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Căng thẳng này có thể chia thành ba loại: vật lý, hóa học và sinh học. Căng thẳng vật lý và hóa học thường được gộp lại và gọi là căng thẳng phi sinh học. Ví dụ về các yếu tố gây căng thẳng vật lý bao gồm tia cực tím, nhiệt độ cao và thấp, cũng như tình trạng nước, có thể là thiếu hoặc thừa nước. Trong khi đó, căng thẳng hóa học liên quan đến các yếu tổ như ô nhiễm không khí, kim loại nặng, và mặn. Còn căng thẳng sinh học xảy ra khi các sinh vật khác 4 nhau như côn trùng gây hại, ký sinh trùng, cỏ dại, vi khuẩn, nấm, tuyến trùng và vi rút tác động lên cây. Trong quá trình tiến hóa, cây trồng đã phát triển các cơ chế thích nghi khác nhau để tồn tại trong điều kiện căng thẳng. Trong đó có những cơ chế liên quan đến vai trò của các chất dinh dưỡng quan trọng, và trong trường hợp này cần nhấn mạnh về tác động của Silic (Si) trong việc cung cấp khả năng chống chịu căng thẳng cho cây trồng. Dưới điều kiện căng thẳng sinh học, Si đóng vai trò như một rào cản cơ học, ngăn ngừa và giúp cây chống lại sự tấn công của bệnh và côn trùng gây hại. Nó cũng giúp làm giảm sự mất nước của cây bằng cách làm giảm sự thoát hơi nước và bảo vệ lớp biểu bì của cây, tăng khả năng chịu hạn, mặn hoặc lạnh. Về mặt hóa học, Si có thể thúc đẩy sự sản xuất của các hợp chất phenolic và tăng mức độ của các phytoalexin hoặc kích hoạt một số gen mã hóa protein bảo vệ cây khỏi các mầm bệnh tấn công, được gọi là pathogen-related protein (PRP). Ngoài ra, Si còn giúp thúc đẩy và cải thiện sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác như N, P, K, Ca, Mg, S, Zn, và làm giảm độ độc hại của dư thừa dinh dưỡng hoặc kim loại nặng trong cây.

    III. VAI TRÒ VÀ NHỮNG LỢI ÍCH CỦA SILICON ĐỐI VỚI CÂY LÚA:

    Lúa là loại cây trồng có khả năng tích lũy silicon cao, chứa Si ở mức lên tới 10% trọng lượng chất khô, cao hơn tất cả các chất dinh dưỡng đa lượng khác như NPK. Đã có nghiên cứu ước tính để tạo ra sản lượng hạt là 5,0 tấn/1ha, cây lúa lấy đi từ đất từ 230 đến 470 kg Si (hình bên phải). Mặc dù Si có nhiều trong đất nhưng tồn tại chủ yếu dưới dạng silica (SiO2) mà cây lúa không thể hấp thụ được. Để được cây hấp thụ, Si phải ở dạng axit monosilicic (H4SiO4), tuy nhiên quá trình giải phóng H4SiO4 tự nhiên từ SiO2 trong đất lúa diễn ra rất chậm. Mức tới hạn của Si trong đất là 40 mg/kg và trong lúa (lá và rơm rạ) là 5%. Cây lúa không có biểu hiện thiếu hoặc thừa (ngộ độc) Si rõ rệt như các nguyên tố khác. Tuy nhiên, khi hàm lượng Si thấp dưới mức nêu trên, có thể quan sát thấy bộ rễ cây lúa phát triển yếu đi, thân và là lúa mềm và rũ xuống, quang hợp bị hạn chế, lá lúa dễ bị tổn thương khi gió mạnh và dễ bị sâu bệnh tấn công, giảm khả năng quang hợp, giảm số hạt chắc và số bông dẫn đến năng suất giảm. 3.1. Lợi ích về mặt nông học của Si đối với cây lúa: - Cải thiện sinh trưởng và phát triển của cây lúa: Nhiều nghiên cứu cho thấy bón Si có ích lợi trực tiếp và gián tiếp đến gia tăng sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Giúp cây mạ và cây lúa trưởng thành khỏe mạnh, tăng số lượng lá lúa, lá lúa duỗi thẳng, kéo dài thời gian quang hợp của lá cờ, gia tăng quang hợp và hiệu suất sử dụng nước thông qua việc ngăn cản sự bốc thoát hơi nước quá mức; gia tăng số chồi và số bông, tăng số gié và số hạt chắc trên bông, trọng lượng 1000 hạt. Si cũng quan trọng trong hình thành vỏ trấu, giúp cải thiện chất lượng. 5 - Cải thiện năng suất lúa: Bón Si giúp duy trì vả cải thiện năng suất lúa. Một số nghiên cứu cho thấy năng suất gia tăng khoảng 10% khi bón Si đều đặn, và đôi khi năng suất lúa tăng 30% khi có sự gia tăng gây hại của bệnh cháy lá. Trong 1 nghiên cứu của Viện Lúa Quốc Tế (IRRI) cho thấy khi bón 47kg/ha calcium magnesium silicate làm gia tăng năng suất 500kg/ha so với không bón. - Một số nghiên cứu đã cho thấy bón Si giúp cải thiện mức độ hữu dụng các chất dinh dưỡng trong đất, điều hòa khả năng hấp thu và vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cây lúa trong điều kiện thừa hoặc thiếu dinh dưỡng, bao gồm N, P, K, Ca, Mg, S, Mn, Fe, Zn, Bo. 3.2. Giúp cây lúa gia tăng tính chống chịu căng thẳng (stress): a) Giúp cây lúa gia tăng tính chống chịu căng thẳng sinh học (biotic stress): Si đã được chứng minh là có khả năng ức chế nấm bệnh như cháy lá, đốm nâu, cháy bìa lá, đạo ôn, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt. Hiện tượng bệnh giảm dần với sự gia tăng hàm lượng Si. Khả năng ức chế nấm bệnh của Si được chứng minh là tương đương với các loại thuốc hóa học. Bên cạnh đó, nhiều loài côn trùng gây hại quan trọng như sâu đục thân, sâu cuốn lá, châu chấu, bọ trĩ, rầy phấn trắng, rầy nâu, rầy xanh … bị ức chế thông qua việc gia tăng nồng độ Si trong cây lúa. Si giúp cây lúa kích hoạt khả năng chống chịu sâu bệnh có thể được giải thích qua các cơ chế vật lý/cơ học, sinh lý và/hoặc sinh hóa sau đây. Lớp biểu bì chứa Si được hình thành ngăn chặn sự xâm nhập vật lý của côn trùng và/hoặc làm cho tế bào cây lúa khó bị phân giải bởi enyme của các nhân gây nấm bệnh. Ngoài ra, a xít silicic hòa tan hoạt động như một chất ức chế hoạt động chích hút của côn trùng. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy Si kích thích sự hoạt động của các ezyme chitinase, peroxidase, β-1,3- glucanase, phenylalanine ammonia lyase và polyphenoloxidase liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến phản ứng phòng vệ của cây lúa đối với nấm bệnh và vi rút. Các hợp chất chính hay thứ cấp như anthocyanins, flavonoids, dẫn xuất của lignin-thioglycolic a xít, momilactones, và các hợp chất phenolics sản sinh từ việc cung cấp Si có vai trò quan trọng cây lúa phải đối mặt với các tác nhân gây bệnh. Si cũng có khả năng kích hoạt một số gen quan trọng liên quan đến tính kháng của cây lúa chalcone synthase, cinnamyl alcohol dehydrogenase, lipoxygenase, PR-1.

    b) Giúp cây lúa gia tăng tính chống chịu căng thẳng phi sinh học (abiotic stress):

    - Si giúp giảm sự mất nước trong cây thông qua việc giảm thất thoát thông qua lớp biểu bì hoặc khí khổng, giúp cây lúa gia tăng tính chống chịu trong điều kiện nóng, khô hạn hoặc nhiễm mặn. - Giảm đổ ngã: Si hấp thụ trong cây hình thành nên lớp gel silica thường nằm phía dưới lớp cutin của tế bào biểu bì (lớp/thể có màu đen hình bên phải) giúp tế bào và các bộ phận của cây như rễ, thân, đốt thân và lá khỏe mạnh qua đó giúp cây lúa cứng cáp ít bị đổ ngã.

    c) Giúp giảm độ độc tính của kim loại như sắt, nhôm và mangan:

    Một số nghiên cứu cho thấy bón Si hữu ích trong việc giảm độc tính của một số kim loại và kim loại nặng như Al, Fe, Mn, Cd, Cu, Zn gây ra cho cây lúa. Điều này có thể do khả năng oxy hóa của rễ cây lúa gia tăng khi được cung cấp đủ lượng Si, oxy được vận chuyển hiệu quả hơn từ phần trên của cây đến rễ thông qua việc mở rộng kênh vận chuyển khí oxy, giảm thất thoát hơi nước và tăng khả năng chịu đựng của tế bào và mô cây cây khi dư thừa các chất, giải phóng ion OH- và giúp tăng độ pH đất trên bề mặt rễ cây từ đó giúp giảm hấp thụ các chất. 3.3. Silicon là dinh dưỡng thiết yếu hay có lợi? Từ những năm 1950, các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc và sau đó là Brazil đã phân loại và công nhận tầm quan trọng của Si trong sản xuất cây trồng, đặc biệt là trong sản xuất lúa. Các nhà nghiên cứu ở những quốc gia này đã phân loại Si là chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng về mặt nông học. Ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam xem xét Si là nguồn dinh dưỡng có lợi cho cây trồng. IV. SILICON TRONG ĐẤT LÚA ĐBSCL Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, sự cạn kiệt nguồn dinh dưỡng Si trong đất được chứng minh diễn ra chủ yếu ở các loại đất phong hóa mạnh và các vùng sản xuất lúa gạo lâu năm. Bên cạnh đó, với biện pháp canh tác lúa thâm canh cho năng suất và sản lượng cao, đồng nghĩa với việc cây lúa sẽ lấy đi rất nhiều Si, và là nguyên nhân chính làm giảm lượng dinh dưỡng Si trong đất. Mặc dù chưa có nghiên cứu đánh giá chi tiết về Si, nguồn dinh dưỡng Si trong đất lúa vùng ĐBSCL có dấu hiệu suy giảm và cạn kiệt dựa trên một số lý do và biểu hiện sau đây: - ĐBSCL là vùng trồng lúa gạo lâu năm và canh tác thâm canh sản xuất lúa 2 đến 3 vụ lúa trong năm đã diễn ra hơn 2 thập kỷ nay. Bên cạnh đó người nông dân thường có thói quen đốt ruộng hoặc thu gom rơm rạ trên ruộng lúa sau khi thu hoạch để làm phụ phẩm nông nghiệp. Do Si sẵn có trong đất liên tục bị lấy đi qua các sản phẩm thu hoạch nên nguồn dinh dưỡng Si của đất trồng lúa ngày càng cạn kiệt, gián tiếp dẫn đến việc nông dân sử dụng phân bón NPK và thuốc hóa học ngày càng tăng lên. - ĐBSCL vốn được hình thành hàng nghìn năm qua chủ yếu từ trầm tích từ thượng nguồn sông Mê Công mang về. Các đập thủy điện thượng nguồn và hạ nguồn sông Mê Công đã ngăn chặn và làm giảm một lượng rất lớn trầm tích, gồm cát (silica), và phù sa (trong đó có silicic a xít) chảy xuống hạ lưu, làm ảnh hưởng rất lớn đến đến độ phì nhiêu đất của vùng ĐBSCL. - Phần lớn đất trồng lúa ở ĐBSCL là đất phèn và có độ pH thấp. Bên cạnh đó đó đại đa số nông dân sử dụng phân bón và hóa chất có nguồn gốc hóa học đã làm giảm đáng kể pH đất, tạo ra độ bão hòa chất dinh dưỡng đa lượng hoặc làm đất mất đi độ nhạy và khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng khác nhau, kể cả Si của cây trồng. - Để đảm bảo năng suất và sản lượng lúa trên cùng một đơn vị diện tích, người nông dân cần sử dụng lượng phân bón và các loại hóa chất bảo vệ thực vật nhiều hơn so với trước đây. 7 - Sự xuất hiện của dịch bệnh ngày càng trở nên phổ biến và mức độ gây hại ngày càng tăng, dẫn đến việc người nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật với tần xuất và liều lượng ngày càng nhiều hơn. V. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ: 5.1. Kết luận Silicon đóng vai trò quan trọng và là thành phần chủ yếu trong hệ thống đất, nước và cây trồng trong tự nhiên và trong sản xuất nông nghiệp. Si giúp cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, cải thiện năng suất và chất lượng, giúp cây lúa chống chịu các điều kiện bất lợi sinh học và phi sinh học. Đất trồng lúa vùng ĐBSCL có hiện tượng suy giảm và cạn kiệt Si, do đó việc bổ sung đều đặn Si dưới dạng phân bón bón vào đất hoặc phun dưới dạng hạt siêu nhỏ nano (<100nm) qua lá là hết sức cần thiết. 5.2. Đề nghị: Với vai trò và lợi ích của Si đã được chứng minh và những thách thức trong sản xuất lúa mà người nông dân trong vùng ĐBSCL đang và sẽ phải đối mặt, do đó nên xem xét và cân nhắc Si như là một chất dinh dưỡng thiết yếu trong sản xuất lúa giống như các chất dinh dưỡng đa lượng khác. Tiềm năng của Si cần được đưa vào trong chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp và quản lý dinh dưỡng tổng hợp. Đẩy mạnh nghiên cứu vai trò và lợi ích của Si trong đất và cây. Tăng cường tập huấn nông dân ứng dụng Si trong sản xuất lúa bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO: Bhat JA, Rajora N, Raturi G, Sharma S, Dhiman P, Sanand S, Shivaraj SM, Sonah H, Deshmukh R (2021) Silicon nanoparticles (SiNPs) in sustainable agriculture: major emphasis on the practicality, efficacy and concerns. Nanoscale Adv 3: 4019–4028 Kovács, S.; Kutasy, E.; Csajbók, J. The Multiple Role of Silicon Nutrition in Alleviating Environmental Stresses in Sustainable Crop Production. Plants 2022, 11, 1223. Naoki YAMAJI, Jian Feng MA, Uptake System of Silicon in Rice, KAGAKU TO SEIBUTSU, 2006, Volume 44, Issue 7, Pages 453-458. Nguyễn, Tín Hồng, 2017. “Tổng quan về Ô nhiễm Nông nghiệp ở Việt Nam: Ngành trồng trọt”. Ngân Hàng Thế Giới, Washington, D.C. Savant NK, Snyder GH, Datnoff LE (1996) Silicon management and sustainable rice production. Advances in agronomy 58: 151–199. Verma KK, Zeng Y, Song X-P, Singh M, Wu K-C, Rajput VD and Li Y-R (2022) Nanosilicon: An approach for abiotic stress mitigation and sustainable agriculture. Front. Plant Sci. 13:1025974. doi: 10.3389/fpls.2022.1025974

    TS. Nguyễn Thế Cường

    Viện lúa ĐBSCL

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU