• Thông tin hữu ích

    Chủ động thích ứng với tiêu chuẩn mới của EU
    Thứ tư, 20:37 Ngày 14/02/2024

    Có thể thấy, những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của Liên minh châu Âu (EU) bao trùm hầu hết sản phẩm được xem là thế mạnh của Việt Nam như nông-thủy sản, đồ gỗ, các mặt hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng như dệt may, da giày... Chính vì vậy, số lượng, phạm vi doanh nghiệp (DN) và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các quy định trên của EU là rất lớn, đòi hỏi sự thích ứng nhanh chóng của cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng DN.

    Yêu cầu mới và khó

    EU là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, nhờ có trợ lực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), tăng trưởng thương mại của Việt Nam vào thị trường này đã có bước tiến mạnh mẽ, bất chấp những khó khăn của thị trường thế giới và sự xáo trộn của chuỗi cung ứng.

    Sau 3 năm thực thi EVFTA (1-8-2020 / 1-8-2023), Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa. Ưu đãi thuế quan trong EVFTA là một trong những điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam tăng xuất khẩu sang thị trường này.

    <a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file.qdnd.vn/data/images/0/2024/02/07/upload_2089/bannercmnm.jpg" class="vllogo"></a>

     Hoạt động sản xuất ở Công ty TNHH Công nghệ may mặc Spectre An Giang Việt Nam. Ảnh: THU TRANG

    Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn từ các quy định mới và khó của thị trường EU. Đáng kể nhất là Thỏa thuận Xanh của EU, gồm một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế.

    Trong đó, đáng lưu ý là chiến lược từ nông trại đến bàn ăn đòi hỏi sự tuần hoàn của sản phẩm. Cùng với đó, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một thách thức khó với DN xuất khẩu hàng hóa vào EU. Cụ thể, từ ngày 1-10 này, CBAM bắt đầu được áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp và đến tháng 1-2026, EU cơ bản sẽ đánh thuế CBAM.

    Quy định này buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa. Nếu lượng phát thải vượt quá tiêu chuẩn của EU, DN sẽ phải mua chứng chỉ phát thải theo mức giá EU quy định.

    Tháng 6 vừa qua, EU đã ban hành quy định chống phá rừng, có hiệu lực từ ngày 30-12-2024 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. 

    Theo đó, các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ... tại EU phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Hay với các tiêu chuẩn mới của EU, sản phẩm da giày từ Việt Nam phải sử dụng da có thể tái tạo, sửa chữa.

    Các sản phẩm dệt may ngoài việc sử dụng nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường còn cần chịu trách nhiệm về cách sản phẩm được xử lý, tái chế hoặc sửa chữa. Trước đó, Ủy ban châu Âu cũng đề xuất các quy tắc buộc nhà sản xuất phải đảm nhận trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may và hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may trên toàn EU. Thêm vào đó, nhiều quốc gia cũng đã ban hành đạo luật về nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng như Đức, Pháp, Na Uy... nhằm buộc các công ty phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

    Giữ vững chữ tín

    Các DN Việt Nam đã và đang có những hành động để thích ứng với các tiêu chuẩn xanh của EU bằng nhiều giải pháp quyết liệt. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang quy trình sản xuất xanh thông qua đầu tư, cải tiến công nghệ... là không hề dễ dàng và khó làm được trong ngày một ngày hai. Vì vậy, cơ quan điều hành cần có những giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh chuyển đổi xanh cho các DN, nếu không muốn sản phẩm của chúng ta bị loại khỏi các chuỗi giá trị.

    Nhấn mạnh tới yêu cầu chuyển đổi sang sản xuất xanh, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam nêu rõ, nếu như hàng hóa của Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn và những yêu cầu liên quan đến xanh, bền vững mà EU áp đặt thì cũng không có cơ hội nào để tận dụng các ưu đãi thuế quan.

    Điều đáng mừng là hiện nay, nhiều ngành của Việt Nam đã, đang thực hiện xanh hóa và nhiều quy định của EU đang được thực hiện. Khảo sát nhanh cho thấy, gần 70% DN Việt Nam đã biết về chương trình "Từ nông trại đến bàn ăn" của EU trong chiến lược xanh áp dụng đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm, gần 80% DN có liên quan biết đến luật chống phá rừng của EU, gần 60% DN may biết đến chiến lược dệt may của EU... 

    Từ góc độ DN, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, phát triển bền vững gắn với sản xuất xanh là xu thế không thể đảo ngược, buộc DN phải chủ động nắm bắt và có chiến lược dài hạn.

    Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, đào tạo nhân sự cho chiến lược phát triển bền vững, tổ chức sản xuất thử nghiệm mặt hàng đạt tiêu chuẩn xanh, bền vững. Song, để đồng hành với DN vượt lên những thách thức này, ông Vương Đức Anh kiến nghị, chương trình hành động phát triển bền vững của Chính phủ cần có tiêu chí rõ ràng, đồng thời cần đi kèm chính sách tài khóa, ưu đãi thuế thu nhập để DN yên tâm đầu tư vào phát triển bền vững.

    Để tận dụng hiệu quả lợi thế về thuế quan từ EVFTA, đồng thời vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường này, ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam-ASEAN cũng cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là uy tín và chất lượng sản phẩm trong xuất khẩu. Khi đã đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào EU thì cần phải giữ ổn định chất lượng sản phẩm, các lô hàng phải đồng đều nhau, tránh tình trạng những lô đầu tốt, những lô sau kém chất lượng là sẽ bị trả về và mất khách hàng.

    KHÁNH AN

    Nguồn: báo Quân đội nhân dân

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU