• Thông tin hữu ích

    Cảnh báo thiếu hụt gạo trầm trọng do căng thẳng tại Biển Đỏ
    Thứ ba, 13:07 Ngày 06/02/2024

    Các cuộc tấn công tại Biển Đỏ đang làm gián đoạn nguồn gạo Ấn Độ đến các thị trường trên thế giới, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực toàn cầu.

    Tình trạng thiếu gạo trên toàn cầu ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi xuất khẩu các giống gạo cao cấp của Ấn Độ đang đối diện với nhiều thách thức từ chí phí vận chuyển tăng vọt trong bối cảnh leo thang xung đột Hamas và Israel, cũng như tình trạng thiếu gạo tại chính quốc gia này.

    Xuất khẩu gạo basmati cao cấp của Ấn Độ trong tháng trước chỉ bằng một nửa so với năm 2023. Lý giải tình trạng trên, các thương nhân cho biết các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào tàu thương mại tại Biển Đỏ làm gián đoạn nguồn cung thương mại, khiến giá cước vận tải tăng lên gấp đôi.

    Ấn Độ đang chiếm đến 40% lượng xuất khẩu gạo trên toàn cầu. Ảnh: SCMP
    Ấn Độ đang chiếm đến 40% lượng xuất khẩu gạo trên toàn cầu. Ảnh: SCMP

    Là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Ấn Độ chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và đã xuất khẩu sang hơn 150 quốc gia. Tuy nhiên, khoảng 30% lô hàng của nước này – tương đương với 12% tổng thương mại gạo toàn cầu – bị ảnh hưởng sau khi New Delhi cấm xuất khẩu gạo trắng và các loại gạo tấm vào tháng 7, trừ các trường hợp nhằm giải quyết mối lo ngại về an ninh lương thực của các quốc gia khác.

    “Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đỏ đang leo thang, chúng tôi khó có thể đưa một giải pháp nhanh chóng, bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn các cuộc tấn công của Houthi. Mọi người vẫn đang phải chờ đợi và chỉ xuất khẩu lượng gạo hạn chế” – Vijay Setia, cựu chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ cho biết.

    Trung Đông hiện là thị trường quan trọng cho xuất khẩu gạo basmati của Ấn Độ. Ông Setia cho biết thời gian vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến khu vực này đã tăng thêm 3-4 tuần sau khi xung đột bùng phát tại Biển Đỏ.

    Theo các thương nhân, giá gạo basmati Ấn Độ hiện dao động ở mức 950 USD-1.800 USD/tấn.

    Trong khi đó, giá gạo đồ xuất khẩu – được ngâm nước nóng hoặc sấy trong hơi nước rồi phơi khô trước khi thực hiện các công đoạn thủ công khác rồi mang đi bán – từ Ấn Độ tăng vọt lên mức cao kỷ lục từ 533 – 542 USD/tấn trong tuần này do nguồn cung hạn chế và nhu cầu duy trì ổn định từ người mua châu Á và châu Phi.

    Thêm vào đó, việc mua gạo từ nông dân của Tập đoàn Thực phẩm Nhà nước Ấn Độ hầu như không để lại nguồn dự trữ cho các thương nhân, những người cho rằng cần nhiều nguồn dự trữ lương thực hơn để nhằm kiềm chế giá gạo trong nước trước khi quốc gia này chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử vào cuối năm nay. Lạm phát giá lương thực từ lâu luôn là vấn đề nhức nhối của New Delhi.

    Prem Garg, chủ tịch Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Gạo Ấn Độ, cho biết xuất khẩu gạo non-basmati của nước này cũng đang bị ảnh hưởng do lượng gạo dành cho thương nhân còn hạn chế, thời gian vận chuyển kéo dài cũng như chi phí vận chuyển đến các khu vực của châu Phi và những nơi khác ngày càng đắt đỏ hơn.

    Chi phí vận chuyển cao cũng dẫn đến việc phát sinh các tranh chấp khi các nhà xuất khẩu gạo đẩy mạnh đàm phán về hợp đồng với người mua.

    “Các hợp đồng cũ với người mua đang bị tranh chấp. Nhiều người đang muốn hủy đơn đặt hàng với họ” – ông Garg nói, đồng thời cho biết chi phí đặt một container trên tàu đến châu Phi đã tăng gấp ba lần lên 4.000 USD.

    Greg Evans, nhà phân tích nông nghiệp và thực phẩm tại S&P Global Commodity Insights, cho biết tình trạng thiếu gạo nghiêm trọng cũng bắt nguồn từ sản lượng nông sản này thấp tại Trung Quốc và Indonesia.

    “Sản lượng gạo Trung Quốc giảm đáng kể do diện tích trồng lúa giảm. Thêm vào đó, quốc gia này có thể sẽ phải đối diện với tình trạng giảm tiêu thụ cũng như lượng tồn kho giảm. Tại Indonesia, bên cạnh mùa trồng trọt bị trì hoãn do thời tiết khô hạn từ El Nino, việc quốc gia này phải tiếp tục gia tăng lượng nhập khẩu gạo sẽ đẩy giá quốc tế lên cao cũng như làm tăng sự cạnh tranh với những người mua khác” - ông cho biết.

    Nguồn: kinhtedothi

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU