• Thông tin hữu ích

    [BOOK REVIEW] IKIGAI, BÍ MẬT SỐNG TRƯỜNG THỌ VÀ HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI NHẬT – KEN MOGI
    Thứ năm, 12:48 Ngày 09/03/2023

    [BOOK REVIEW] IKIGAI, BÍ MẬT SỐNG TRƯỜNG THỌ VÀ HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI NHẬT – KEN MOGI

    Hôm qua mình ghé vào hiệu sách Cá Chép ở đường Nguyễn Thái Học. Khi đang ngó nghiêng ở khu vực sách bán chạy và sách mới, mình thấy cuốn sách có tiêu đề là Ikigai được viết bởi tác giả người Nhật Ken Mogi. Sống ở Nhật 4 năm nên mình cũng đã từng nghe tới “Ikigai”, nhưng lại chưa bao giờ tìm hiểu về cụm từ này. Vì thế mình đã mua cuốn sách và đã đọc qua với mục đích hiểu thêm về ý nghĩa của “Ikigai”.Trước khi đi vào nội dung cuốn sách, mình muốn nói qua một chút về “Ikigai”.

    Google Search “Ikigai”

    Trước khi đọc cuốn sách, mình đã lên google search để xem những bài viết nói gì về “Ikigai”. Mình đọc qua các trang web như Kilala hay cafe.vn thì người ta giải thích Ikigai là một quan niệm sống của người Nhật, theo nghĩa đen thì là “lẽ sống” (Kilala). Các bài viết cũng nhấn mạnh rằng, Ikigai chính là lối sống, là bí quyết giúp người Nhật sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

    Lướt xuống phần giữa của các bài viết, mình thấy có một sơ đồ gồm 4 hình tròn tượng trung cho 4 câu hỏi gồm: Việc bạn yêu thích, việc sở trường của bạn, việc bạn được trả tiền, việc xã hội cần. 4 hình tròn đan vào với nhau và Ikigai nằm ở điểm giao nhau của 4 hình tròn đó. Thú thật là đọc qua mình không hiểu rõ lắm về cái sơ đồ này. Vì thế mình đã cầm lên cuốn sách mới mua và bắt đầu đọc để có thể hiểu rõ hơn về Ikigai cũng như cái sơ đồ hình tròn này.

    ikigai-1024x968.jpg

     

    Wait. Có cái gì đó hơi sai sai

    Khi mình tìm thấy nguồn tác giả trên bài viết internet và đem đối chiếu với cuốn sách, thì lại hoàn toàn khác. Trong khi sách mình mua tác giả là người Nhật, thì những bài viết về Ikigai ở trên mạng lại chủ yếu dẫn nguồn từ cuốn sách cũng có tên Ikigai nhưng lại được viết bởi 2 tác giả người nước ngoài là Héctor García và Francesc Miralles? Mình google search ảnh cuốn sách của 2 tác giả người nước ngoài đó, thì phát hiện ra một điều “thú vị”, các bạn có thể nhìn xuống hai bức ảnh sau:

    Bên trái là cuốn sách Ikigai được viết bởi 2 tác giả Hector và Garcia, còn bên phải là bản dịch cuốn sách Ikigai của Ken Mogi, nhưng thiết kế bìa lại được làm gần như y hệt cuốn bên trái, chỉ khác mỗi màu. Đến cả tiêu đề phụ cũng gần như y hệt nhau. Nó làm mình confused cực kì. Vậy cuốn sách gốc là cuốn nào?

    Đây mới là cuốn sách gốc được viết bởi Ken Mogi, bên trái là bản gốc Nhật, bên phải là bản dịch tiếng Anh. Thực ra nếu đọc tiêu đề phụ của bản tiếng Nhật thì nó cũng khá giống tiêu đề phụ được dịch sang bản tiếng Việt. Và mình rút ra được một kết luận: những gì mình chuẩn bị đọc trong cuốn sách của Ken Mogi có thể sẽ khác hoàn toàn với những khái niệm, nguyên tắc sống mà các bài trên mạng đã viết về Ikigai, vốn trích nguồn từ cuốn sách cùng tên của tác giả khác người nước ngoài.

    Review cuốn sách Ikigai của Ken Mogi

    Đọc trang đầu tiên của cuốn sách, mình biết được ngay “ikigai” ở đây được giải thích theo một cách hoàn toàn khác so với sơ đồ 4 hình tròn ở phía trên. Tác giả giới thiệu 5 trụ cột của ikigai gồm:

    1. Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất
    2. Giải phóng cái tôi cá nhân
    3. Sự hài hòa và tính bền vững
    4. Niềm vui từ những điều nhỏ bé
    5. Sống trọn mọi khoảnh khắc hiện tại

    “Mỗi trụ cột đều mang lại nền tảng hữu ích – hết sức căn bản để ikigai phát huy mạnh mẽ” – Ken Mogi

    Ở chương một, tác giả bắt đầu với câu chuyện tổng thống Obama được ăn sushi ở nhà hàng Sukibayashi Jiro của Jiro Ono, một đầu bếp 3 sao Michelin còn sống cao tuổi nhất thế giới. Tác giả cho rằng Jiro Ono thành công là bởi ông đã đạt được Ikigai. “Ikigai” là một từ mô tả niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống, và cũng là “lý do để thức dậy vào buổi sáng” (theo chương hai).

    Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đã đưa ra rất nhiều mẩu chuyện nhỏ về đất nước Nhật Bản ở hiện tại lẫn trong quá khứ. Ví dụ như câu chuyện về bài thể dục buổi sáng Rajio Taiso, về truyền thống trà đạo của Nhật Bản, hay chuyện về những người theo đuổi nghề nghiệp Sumo. Mỗi câu chuyện đều có sự liên kết đến các trụ cột của Ikigai. Lấy ví dụ:

    “Truyền thống trà đạo chứa đựng cả 5 trụ cột của ikigai. Trong một buổi thưởng trà, trà sư cần phải cẩn thận chuẩn bị các đồ trang trí trong phòng thưởng trà, hết sức chú tâm đến từng chi tiết như loại hoa được trang trí trên tường (trụ cột 1: bắt đầu từ những việc nhỏ nhất). Tinh thần khiêm nhường là dấu ấn của trà sư và các vị khách dẫu rằng họ đã có nhiều năm tham dự tiệc trà (trụ cột 2: giải phóng cái tôi cá nhân)…”  (còn tiếp trong sách).

    Điều mình thích nhất ở cuốn sách này chính là việc tác giả đã kể và giải thích tận tường những mẩu chuyện nhỏ liên quan đến văn hóa và lịch sử Nhật Bản, qua đó giúp mình vừa hiểu thêm về đất nước và con người Nhật cũng như “ikigai”.

    Cuốn sách khá nhỏ gọn và mình chỉ mất có một buổi sáng để đọc xong nó. Nội dung khá nhẹ nhàng, hợp với việc vừa uống trà vừa đọc sách. Bìa sách khá là đẹp, trừ việc thiết kế của nó copy từ design của một cuốn sách khác về Ikigai, qua đó dễ làm người mua, người đọc nhầm lẫn giữa 2 cuốn sách cùng tên nhưng khác tác giả.

    Tóm lại, Ikigai là một triết lý sống mang lại hạnh phúc của người Nhật, bao gồm 5 trụ cột mà đã được tác giả lý giải một cách chi tiết qua những câu chuyện đời giản dị của đất nước và con người Nhật Bản trong quá khứ cũng như hiện tại.

    Nhưng thế là chưa đủ

    Tuy mình khá là hài lòng sau khi đọc xong cuốn sách vì đã hiểu được “Ikigai”, nhưng rõ ràng còn một cuốn sách nữa cũng viết về Ikigai của 2 tác giả người nước ngoài, mà hình như chính nó mới là cuốn sách bán chạy (vì mình search cuốn Ken Mogi thì không thấy đề cập gì về việc được bán chạy trên thế giới). Nếu tìm được ebook cuốn đó thì mình sẽ chắc chắn đọc để xem người nước ngoài nhìn nhận và viết về Ikigai như thế nào.

    Nguồn: thehanoichamomile

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU