• Thông tin hữu ích

    Kỹ thuật trồng hoa vạn thọ trong chậu nhựa phục vụ tết
    Thứ năm, 15:27 Ngày 20/10/2022
    Mỗi dịp tết đến xuân về, muôn hoa đua nở, trong đó có cả loài hoa vạn thọ. Đây là loài hoa có hương thơm đặc trưng, nhiều màu sắc rực rỡ như màu vàng hoặc màu cam, rất được nhiều nhà ưa chuộng chọn mua để chưng hoặc cúng trong ba ngày Tết. Nhiều người quan niệm rằng hoa vạn thọ là loài hoa thay lời chào đón một năm mới an khang, thịnh vượng, may mắn và sức khỏe.

    Hoa vạn thọ rất dễ trồng và chăm sóc, trong quá trình trồng để phục vụ Tết nguyên đán cần lưu ý một số kỹ thuật sau:

    1. Chọn giống trồng

    Có 2 giống được trồng phổ biến hiện nay đó chính là hoa vạn thọ cao và hoa vạn thọ lùn.

    + Hoa vạn thọ cao: cây cao từ 60 – 70 cm,  phù hợp cho dịp tết và  được trồng quanh năm.

    + Hoa vạn thọ lùn: cây cao 45 – 50 cm, thân khỏe, dễ trồng và không kén đất, có thể trồng được quanh năm, hoa to có màu vàng sáng, thân cành phát triển sum suê nhưng hoa lại rất nhỏ và không cân với bộ lá. Thời gian trồng từ khi gieo đến khi hoa nở khoảng 55 – 60 ngày.

    2. Thời điểm trồng

    Hoa vạn thọ cần phải chú ý đến thời điểm xuống giống để phục vụ đúng vào dịp tết Nguyên đán.

    + Hoa vạn thọ lùn được trồng vào đầu tháng 11 âm lịch và muộn nhất vào khoảng mùng 5/11 đến 6/11 hàng năm.

    + Hoa vạn thọ cao thì được trồng sớm hơn, thường được trồng vào cuối tháng 10 âm lịch và muộn nhất vào ngày 24 – 25/10 âm lịch.

    3. Ươm cây con

    Đất trồng: tơi xốp và thoát nước nhanh. Hỗn hợp đất trồng hoa vạn thọ gồm tro trấu đã được làm giảm độ mặn, phân chuồng đã được ủ và xơ dừa được trộn đều với nhau theo tỷ lệ 1:1:1 với độ dày khoảng 8 – 10 cm.

    Gieo hạt: gieo cạn khoảng 0,2 - 0,4 cm và khoảng cách giữa các hạt gieo là 2,5 - 3,5 cm, sau đó chúng ta lấp hạt lại. Mỗi ngày chúng ta phải tưới nước ít nhất 2 lần vào sáng sớm và chiều mát để giữ cho đất ẩm. Có thể gieo hạt vào bầu đất bằng túi nilon thoát nước tốt. Sau khi chúng ta chuẩn bị bầu đất xong thì cho hạt hoa vạn thọ vào bầu và tiến hành tưới nước cho ẩm đất. Trong giai đoạn này chúng ta nên tưới nước nhẹ nhàng cho cây để không ảnh hưởng đến cây.

    4. Trồng cây con ra chậu

    Tiến hành mang cây hoa vạn thọ con ra trồng vào chậu sau khi gieo hạt khoảng 2 tuần (15  - 17 ngày).  Đối với vạn thọ lùn thì chậu có đường kính từ 25 – 30 cm còn đối với vạn thọ cao thì đường kính lớn hơn từ 30 – 35 cm và cần chú ý là chậu trồng phải đảm bảo thoát nước tốt.

    Tỷ lệ đất trồng cũng tương tự  như tỷ lệ khi ươm. Khi đã tiến hành chuẩn bị chậu xong thì tiến hành trồng cây vào, cần chú ý là chỉ lấp tới lá mầm và chỉ trồng vào chiều mát.

    Trong 3 ngày đầu khi trồng chúng ta chỉ tưới phun sương bằng bình phun sương trước khi trời nắng gắt và sau đó chúng ta tưới nhiều hơn, mỗi ngày tưới khoảng 3 lần vào sáng sớm, 9 – 10 giờ sáng và 16 – 17 giờ chiều. Chú ý khi tưới nếu thấy nước nhiều quá cần xới đất cho thoát nước nhanh hơn.

    Ảnh. Cây được trồng ra chậu nhựa

    5. Chăm sóc

    5.1 Bón phân

     Sau khi gieo hạt 9 - 10 ngày:  pha 5 lít nước bánh dầu vào khoảng 400 lít nước và 200gr phân NPK (16:16:8) mang đi tưới.

    Sau khi trồng vào chậu nhựa 10 ngày: thì chúng ta cần tiến hành bón thúc cho cây với tỷ lệ 10 kg tro trấu, 10 kg phân chuồng đã xử lý.

    5.2 Bấm ngọn

    Khi cây hoa vạn thọ được khoảng 35 – 40 ngày tuổi thì đã mọc được khoảng 6 – 7 cặp lá và các chồi ở nách là cũng vươn lên theo. Thời điểm này chúng ta nên bấm đọt cho cây và cần chú ý là chỉ nên để khoảng 5 – 6 cặp chồi là vừa.

    Thời gian bấm đọt vào đầu tháng 12 âm lịch, muộn nhất vào khoảng mùng 5 – 10/12 âm lịch.

    Cây bắt đầu có nụ từ khoảng 40 – 45 ngày tuổi, khi đó chúng ta nên cắt tỉa những chồi nhỏ và chừa lại bông chính để hoa lớn nhanh và đẹp hơn. Đối với giai đoạn này thì cần hạn chế bón phân nhiều.

    5.3 Điều khiển nụ hoa nở đúng dịp tết

    Khi hoa được 45 - 50 ngày tuổi, nếu hoa nở sớm hơn dự kiến thì cần tưới phân urê với tỷ lệ 1g/1 lít nước, ngày tưới 2 lần để kéo dài thời gian sinh trưởng giúp cho hoa bị hãm tốc độ nở.

    Nếu thấy hoa nở muộn hơn thì cần ngừng tưới nước khoảng 1 - 2 ngày để cho lá héo sau đó tưới nước lại vừa đủ ẩm, những ngày tiếp theo nên tưới nước pha bánh dầu, có thể dùng KNO3 theo hướng dẫn của nhà sản xuất để kích thích sự ra hoa.

    6. Phòng trừ sâu bênh hại thường gặp

    6.1 Sâu xanh (Helicoverpa Armigera Hb.)

    Sâu xanh là loại đa thực phá hoại trên nhiều loại cây trồng, trong đó có hoa kiểng. Sâu non ăn lá, ăn nụ hoa, trên lá non chúng ăn khuyết, trên nụ chúng đục nụ, ăn vào bên trong. Sâu non tuổi lớn có tập tính ăn thịt lẫn nhau, khi đẫy sức chuyển xuống đất hóa nhộng. Sâu trưởng thành hoạt động về đêm thích mùi chua ngọt, ban ngày ít hoạt động, ẩn nấp vào lá cây, chúng đẻ trứng rải rác trên lá non hoặc nụ hoa, sau khi đẻ từ 3-4 ngày thì trứng nở.

    Biện pháp phòng trừ: Dùng các biện pháp thủ công như ngắt bỏ ổ trứng, diệt trừ sâu non, tiêu hủy các bộ phận bị sâu phá hoại như: lá, cành, nụ hoa. Khi mật độ sâu lên cao, quá ngưỡng kinh tế có thể dùng một trong các loại thuốc trừ sâu: Diafenthiuron (Pegasus 500SC), Deltamethrin (Decis 2,5EC) hoặc Fenitrothion + Trichlorfon ( Ofatoc 400EC).

    6.2 Bệnh héo xanh vi khuẩn (do vi khuẩn Pseudomonas solanaccearum gây ra)

    Bệnh này cũng khá phổ biến trên vạn thọ. Do vi khuẩn tác động vào bộ phận gốc rễ, làm thối rễ, cây bị bệnh lá héo rũ đột ngột nhưng vẫn xanh, triệu chứng héo của cây diễn rất nhanh, chỉ trong một vài ngày lá cây chết hoàn toàn. Cắt ngang gốc, thân cây bệnh thấy bó mạch thâm đen, bóp chặt vào gần chỗ miệng cắt có dịch nhờn vi khuẩn màu trắng sữa chảy ra. Nguồn bệnh tồn tại chủ yếu trong đất và tàn dư cây bệnh. Vi khuẩn xâm nhiễm vào rễ, gốc thân, thân và cuống lá qua vết thương cơ giới do quá trình canh tác, côn trùng, tuyến trùng,...Bệnh lây lan từ cây này sang cây khác bằng nhiều con đường khác nhau như qua nước tưới, nước mưa, hạt giống…

    Biện pháp phòng trừ: sử dụng thuốc có hoạt chất Kasugamycin (New Kasuran 16.6WP), Ascorbic acid+ citric acid+ lactic acid (Agri-Life 100SL), Oxolinic acid (Staner 20WP),... phun khi mới chớm bệnh.

    6.3 Bệnh hoa lá

    Ngoài hai loại bệnh trên, bệnh hoa lá là nỗi lo của nông dân trồng vạn thọ vì đây là bệnh do virus gây ra không có thuốc trị. Rệp muội là môi giới lan truyền bệnh.

    Cây bị bệnh lá có các mãng xanh vàng xen kẻ loang lổ, phiến lá chỗ dày mỏng không đều, đưa lá bệnh lên ánh sáng thấy gân lá mất màu. Cây bệnh đọt non bị xoăn lại, lá nhỏ, cây kém phát triển. Bệnh nặng toàn cây thấp và nhỏ, các đốt thân cành co ngắn lại, hoa ra ít và nhỏ.

    Biện pháp phòng trừ:

    - Vệ sinh ruộng hoa sạch sẽ, thu gom tàn dư cây bệnh đưa ra khỏi vườn, tiêu huỷ để giảm bớt nguồn bệnh. Mật độ trồng vừa phải, không trồng dày.

    - Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục ngay từ đầu vụ kết hợp sử dụng nấm Trichoderma. Không bón quá nhiều phân đạm.

    - Kiểm tra ruộng hoa thường xuyên để phát hiện và nhổ bỏ sớm những cây bị bệnh để tránh lây lan.

    - Khi phát hiện bệnh, hạn chế tưới nước vào buổi chiều tối và tưới thẳng lên hoa.

    - Biện pháp hoá học: Đối với bệnh hoa lá do virus thì không có thuốc trị nhưng biện pháp quản lý côn trùng môi giới là biện pháp phòng ngừa có hiệu quả, vì thế thường xuyên thăm ruộng hoa, phát hiện sự xuất hiện của rệp muội thì phun thuốc trừ. Sử dụng một trong các loại thuốc trừ rệp có hoạt chất: Permethrin (Map Permethrin 50EC).

    Hồng Thắm – Bình Tân

    Nguồn: Sỡ Nông nghiệp Vĩnh Long

     

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU