• Thông tin hữu ích

    Tây Nguyên: Cây tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt
    Thứ ba, 09:10 Ngày 27/02/2018

    Hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang hết sức lo lắng khi diện tích hồ tiêu nhiễm bệnh ngày càng nhiều.

    Một vườn hồ tiêu của người tỉnh Đắk Lắk nhiễm bệnh chết trắng

    Năm nay là một mùa tiêu buồn của gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, thôn 10, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, khi vườn tiên trồng xen trong rẫy cà phê 3 héc ta bắt đầu đổ bệnh và chết. Hiện hàng trăm trụ tiêu đã chết khô. Ông Hòa chia sẻ: Để cứu chữa vườn tiêu, chúng tôi đã mua các loại thuốc chống thối rễ, diệt tuyến trùng nhưng vẫn không hiệu quả. Không chỉ gia đình ông Hòa mà nhiều diện tích hồ tiêu của các hộ khác cũng đang chết khô cả rẫy.   

    Trận mưa lũ cuối năm 2017 khiến cho nhiều gia đình trên địa bàn huyện M’Đrắk ăn không ngon, ngủ không yên khi tiêu bị bão quật đổ, ngập úng chết, giá tiêu liên tiếp giảm, khiến cho nhiều hộ ôm nợ vì vay vốn đầu tư trồng hồ tiêu. Gần 700 trụ tiêu chuẩn bị bước vào thu hoạch của gia đình bà Lê Thị Minh, ở thôn 3, xã Ea Lai, huyện M’Đrắk sau khi mưa lũ kéo về đã làm hơn 100 trụ bị ngã đổ, gây thiệt hại ước tính trên 100 triệu đồng, nhiều trụ tiêu khác bị ngập úng bị vàng lá, rụng đốt và héo dần, có nguy cơ chết hàng loạt. Theo bà Minh, vụ tiêu năm qua, gia đình gần như mất trắng. Để đầu tư vườn tiêu gần 800 trụ, ông Nguyễn Tiến Huy, thôn 3, xã Ea Lai đã thế chấp vay ngân hàng hơn 500 triệu đồng. Thế nhưng mưa lớn quật đổ hơn 70 trụ tiêu, số còn lại úng nước khiến cho cây vàng lá rụng trái hàng loạt quanh gốc.

    Bà Vũ Thị Thanh Bình- Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 42.563 ha hồ tiêu (tính tổng cả số hồ tiêu trồng thuần và xen canh trong rẫy cà phê). Theo quy hoạch phát triển hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ trồng 17.000 ha. Thế nhưng, với giá hồ tiêu từ năm 2014 bắt đầu tăng, người dân đã đổ xô trồng tiêu bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng khiến cho diện tích hồ tiêu tăng 25563 ha. Ở nhiều vùng đất đai không phù hợp với cây tiêu nhưng người dân vẫn bất chấp canh tác. Việc người dân đổ xô trồng tiêu ở những diện tích không phù hợp đã gây nên nhiều hệ lụy như tiêu chết vì bệnh, vì ngập úng.

    Cụ thể, theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cuối năm 2017 toàn tỉnh có 503 ha tiêu bị nhiễm bệnh và chết tập trung ở các huyện Krông Năng, Ea Kar, Ea H’leo, Krông Pắk, Buôn Hồ, Cư M’gar… Chỉ tính riêng trong tháng 1 năm 2018, toàn tỉnh đã có 70 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết.

    Không chỉ tại Đắk lắk mà tại tỉnh Đắk Nông, theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh này, tính đến hết tháng 1-2018, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có trên 298 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh 153,93 ha và 145,54 ha bị bệnh chết chậm, trong đó diện tích bị nhiễm bệnh nặng khoảng 70 ha. Cây tiêu bệnh chết nhanh, chết chậm tập trung ở các huyện: Đắk R’lấp 161,77 ha, Đắk Song 56 ha và Đắk Glong 81 ha.

    Tại Gia Lai, hai huyện có diện tích trồng tiêu lớn nhất của  tỉnh là Chư Sê có diện tích trồng tiêu khoảng 3.700ha, huyện Chư Pưh có 2.900 ha diện tích hồ tiêu nơi đây cũng nhiễm bệnh và chết hàng loạt.

    Để phòng, chống bệnh cho cây hồ tiêu, ngành nông nghiệp khuyến cáo, sau khi thu hoạch, nông dân cần tiến hành dọn vườn, khử trùng bề mặt và nâng cao độ pH của đất bằng vôi bột hoặc rắc xuống hệ thống rãnh thoát nước với khối lượng vừa phải để khử trùng nguồn bệnh.

    Nguồn: Báo Daidoanket

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU