• Thông tin hữu ích

    Quy trình và kỹ thuật ghép cây gấc con
    Thứ ba, 14:56 Ngày 19/02/2019

    Cây gấc sau khi ghép có tỉ lệ sống lên đến 95% và tỉ lệ ra quả là 100%. Đồng thời, gấc ghép cho tỉ lệ sai quả rất cao, mỗi gốc có thể cho năng suất từ 100 – 150 kg, thời gian thu hoạch gấc ghép có thể lên đến hơn 10 năm. Vậy thì làm như thế nào để có một cây gấc ghép hoàn chỉnh, đúng kỹ thuật, mời các bạn theo dõi quy trình và kỹ thuật ghép dưới đây nhé:

    I. Dụng cụ để ghép

    Trước khi tiến hành ghép cây gấc thì bạn phải chuẩn bị đầy đủ các loại dụng cụ cần thiết cho quá trình ghép. Các dụng cụ mình đã liệt kê cụ thể ở đây, bao gồm dây thun, dây quấn mối ghép, lưỡi lam, bao nilon, giá đỡ khi ghép.

    II. Chuẩn bị gốc ghép

    Để chuẩn bị cho một cây gốc ghép thì bạn phải thực hiện theo 5 bước hướng dẫn dưới đây:

    Bước 1: Thu hoạch và lựa chọn hạt giống

    Để đảm bảo có được gốc ghép khỏe, bạn phải chọn những quả phát triển đầy đủ và đồng đều về kích thước, không chọn quả bị sâu bệnh tấn công.

     

    Bước 2: Xử lý hạt giống

    Sau khi đã chọn được quả đạt chuẩn rồi, tiếp theo bạn sẽ lấy hạt ra khỏi quả và chọn những hạt đã già (nghĩa là những hạt có màu đen hoặc nâu thuần túy, cứng cáp, không bị biến dạng).

     Xong rồi, bạn tách phần hạt và thịt quả ra (chỉ lấy hạt đi gieo thôi mà). Khi đã có những hạt chất lượng rồi, bạn phải làm sạch hạt như minh họa dưới đây.

    Tiếp đến bạn sẽ dùng kéo để bấm đầu hạt nhằm tăng khả năng nẩy mầm của hạt và rút ngắn thời gian nẩy mầm. Lưu ý là trước khi gieo trồng, bạn phải xử lý hạt bằng thuốc Mancolaxyl 72WP để ngăn ngừa hạt bị nhiễm bệnh nhé!

    Bước 3: Chuẩn bị đất và tiến hành gieo hạt

    Xong bước 2 là chuẩn bị hạt để gieo rồi thì bạn phải chuẩn bị đất để gieo hạt. Đất để gieo hạt phải đạt yêu cầu về độ tơi xốp và giữ được độ ẩm, do đó bạn có thể dùng cát và xơ dừa để phối trộn làm đất gieo hạt. Bạn theo dõi các bước gieo hạt dưới đây nhé!

    Hướng dẫn bí quyết trồng cây gấc sai quả

    Bước 4: Chuẩn bị giá thể và tiến hành trồng cây vào bầu

    Giá thể được trộn theo tỉ lệ 6:2:2, cụ thể thành phần trong đó là 6 xơ dừa, 2 đất, 2 cát. Trong quá trình trộn kết hợp thêm với phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng đã qua xử lý để giá thể đủ dinh dưỡng cho cây gốc ghép phát triển, có thể sử dụng phân hữu cơ khoáng TNC-ROOT1.

    Sau khi gieo hạt được khoảng 2 tuần thì lúc đó cây đã có thể đem cấy vào bầu để làm gốc ghép. Lúc này, bạn sẽ nhổ cây đã gieo lên và trồng vào bầu ly đã chuẩn bị trước. Sau khi trồng vào bầu ly xong, bạn nên đặt cây tại nơi thoáng mát, ánh sáng vừa và tiến hành chăm sóc gốc ghép.

     Bước 5: Chăm sóc gốc ghép

    Phun phòng trừ các loài sâu bệnh hại cho gốc ghép bằng thuốc Binhtox 1,8EC. Tưới nước thường xuyên để cung cấp đủ nước cho cây.

    Khi thấy cây cứng cáp và ra rễ nhiều là cây đã đủ tiêu chuẩn để tiến hành ghép, thông thường nếu chăm sóc tốt thì sau 10 ngày là gốc ghép đã đạt chuẩn. Những cây được chọn làm gốc ghép phải là cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, phát triển bình thường và có nhiều rễ. 

    III. Chuẩn bị ngọn ghép

    Chọn những ngọn phát triển bình thường, đầy đủ lá, không bị dị tật hoặc bị sâu bệnh tấn công.

    Sau khi đã cắt ngọn xong thì cắt và tỉa lại những lá lớn, những tua bám không cần thiết để tránh cản trở khi ghép. Ngọn phải được bảo quản trong thùng xốp để không bị héo.

     

    IV. Quy trình thực hiện

    Bước 1: Cắt gốc ghép

    Xác định lá thở của cây (lá thật thứ 2 hoặc thứ 3 từ gốc đếm lên), sau đó dùng lưỡi lam cắt phía trên vị trí lá thở khoảng 2 cm. Tiếp đến bạn dùng lưỡi lam chẻ một đường ở giữa thân cây theo chiều từ trên xuống với độ sâu khoảng 1 cm.

    Bước 2: Cắt ngọn ghép

    Dùng lưỡi lam dạt mỏng 2 bên ngọn ghép khoảng 0,7 cm.

    Bước 3: Ghép nối mắc ghép

    Khi đã chuẩn bị xong gốc ghép và ngọn ghép rồi thì bạn tiến hành ghép nối hai mối ghép lại với nhau. Khi mối ghép đã khớp với nhau rồi thì bạn cố định mối ghép lại bằng dây quấn. Lưu ý không được để hở mối ghép để tránh tình trạng mối ghép bị vô nước gây ra hiện tượng "xì mũ" mắc ghép. Tuy nhiên, thao tác thực hiện phải nhẹ nhàng để không làm tổn thương mắc ghép.Cuối cùng là dùng dây thun cột gọn ngọn ghép lại để dễ dàng trùm bao nilon cho cây mới ghép.

    Bước 4: Hoàn thành cây gấc ghép

    Sau khi mối ghép đã được cố định, bạn sẽ dùng bao nilon để trùm cây lại. Việc này giúp cho cây ghép không bị mất nước trong thời gian mắc ghép chưa tiếp hợp, đồng thời tránh làm mắc ghép bị vô nước (do quá trình chăm sóc hoặc do điều kiện ngoại cảnh). Sau khi quá trình ghép hoàn tất thì bạn đặt cây đã ghép ở nơi có độ nắng 35%. Sau 1 tuần là có thể mở bao nilon ra và kiểm tra cây sau khi ghép.

     Như vậy là bạn đã hoàn thành xong quy trình ghép một cây gấc con hoàn chỉnh rồi đấy!

     Cảm ơn các bạn đã quan tâm nhé!

     KS. Võ Hy Thùy Ngọc

    qnq.vn

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU