• Thông tin hữu ích

    Phát hiện thực vật hấp thụ dưỡng chất từ bụi trong không khí
    Thứ bảy, 09:25 Ngày 02/01/2021

    Một số loài thực vật sa mạc sống trong môi trường bụi bặm có kiểm soát, có thể hấp thụ chất phốt-pho qua lá để phát triển nhanh hơn.

     

    Phát hiện thực vật hấp thụ dưỡng chất từ bụi trong không khí - Ảnh 1.
     

    Cây đậu gà bị thiếu phốt pho được phủ phốt pho (trái) cho thấy sự phát triển nhiều hơn so với đối chứng. Ảnh: timesofisrael.com

    Các nhà khoa học Israel vừa phát hiện một số loài thực vật sa mạc sống trong môi trường bụi bặm có kiểm soát, có thể hấp thụ chất phốt-pho qua lá để phát triển nhanh hơn. Nghiên cứu này có thể mở ra cơ hội giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp.

    Theo Tiến sĩ Avner Gross, chuyên gia nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường tự nhiên tới từ Đại học Ben-Gurion (BGU), ông đã tình cờ phát hiện ra nhiều loài thực vật sa mạc có thể tự lấy dinh dưỡng từ không khí bằng cách hấp thu những hạt bụi đọng trên lá và chiết xuất những vi chất cần thiết. Đây là phát hiện mới có thể giúp ngành nông nghiệp giảm thiểu việc sử dụng phân bón hóa học gây hại cho môi trường.

    Các thí nghiệm trên các loài thực vật bản địa của Israel như lúa mì và đậu gà cho thấy lá của chúng sẽ tự động mọc nhiều lông hơn nếu thiếu phốt-pho - một dưỡng chất cần thiết nhằm tạo ra tế bào của tất cả sinh vật. Các sợi lông này có vai trò giữ độ ẩm, giúp chúng 'bắt dính' các hạt bụi trong không khí, sau đó lá cây sẽ tiết ra axit hòa tan phốt pho thành dạng lỏng mà cây có thể hấp thụ.

    Tiến sĩ Gross cho biết qua quá trình nghiên cứu về bụi trong 6 đến 7 năm và phát hiện thấy trong đó chứa nhiều nguyên tố cần thiết cho sự phát triển của thực vật, ông đã thí nghiệm không bón phốt-pho cho rau diếp, sau đó rắc bụi sa mạc lên lá. Sau một thời gian, các cây này đã tăng kích thước gấp đôi. Qua đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng một số loài cây có thể biến đổi bề mặt lá khi chúng cần phốt-phát và tự tiết ra axit phân hủy thành phốt-pho để hấp thụ thành dinh dưỡng. Những khu vực có nhiều bụi như Israel, cây thích nghi với bụi sẽ có lợi thế lớn, nhưng ở những khu vực khác, nơi ít bụi hơn thì cây trồng phát triển kém hơn.

    Phát hiện của Tiến sĩ Gross có thể giúp tăng trưởng nông nghiệp bền vững và giảm thiểu tác động tới khí hậu. Thay vì khai thác phốt-phát từ các mỏ dưới lòng đất, thì có thể tận dụng, tái chế bụi thành phân bón lá.

    Nguồn: Tuổi trẻ

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU