• Thông tin hữu ích

    Khai thác hiệu quả tiềm năng Vườn quốc gia Chư Mom Ray
    Chủ nhật, 09:21 Ngày 01/08/2021

    Với diện tích 56.249,2 ha, ở độ cao từ 200 đến 1.773 m so với mực nước biển, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, suối lớn nhỏ đã tạo cho Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray một hệ sinh học phong phú, đa dạng. Năm 2004, Chư Mom Ray được Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á công nhận là Vườn di sản ASEAN. Đây là tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái, góp phần bảo tồn bền vững VQG; đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng.

    Khách tham quan khám phá Vườn quốc gia Chư Mom Ray

     

    Chú trọng bảo tồn tài nguyên quý

    Xuất phát từ TP Kon Tum, vượt hơn 30 km về hướng bắc, trong cái nắng, gió khô khốc, bỏng rát đặc trưng của Tây Nguyên vào những ngày cuối tháng 3, chúng tôi đến VQG Chư Mom Ray. Mặc dù đang trong thời gian cao điểm phòng, chống cháy rừng, nhưng Giám đốc Ban quản lý VQG Đào Xuân Thủy vẫn thu xếp thời gian đưa chúng tôi đi tham quan thực tế. Trong câu chuyện đầy ắp thông tin về nguồn tài nguyên quý giá của VQG, anh Thủy cho biết, Chư Mom Ray được đánh giá là có tính đa dạng sinh học cao trong hệ thống các VQG cả nước. Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa (mùa khô và mùa mưa), ở đây tồn tại bảy hệ sinh thái rừng chính và năm hệ sinh thái rừng phụ, từ rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, rừng thứ sinh phục hồi trên đất mất rừng đến rừng trảng cỏ, cây bụi, cây gỗ rải rác thứ sinh… Tổng số loài thực vật đã phát hiện và ghi nhận tại VQG Chư Mom Ray là 1.895 loài, thuộc 541 chi, 184 họ. Trong đó ngành dương xỉ 178 loài, thực vật hạt trần 11 loài, thực vật hạt kín 1.302 loài và có 131 loài thuộc diện quý hiếm, như: kim giao, thông tre, trắc, cẩm lai, gụ mật… Tổng số loài động vật đến nay đã điều tra và ghi nhận được 950 loài, với 120 loài động vật có vú, 290 loài chim, 42 loài bò sát, 25 loài lưỡng cư, 108 loài cá nước ngọt, 365 loài côn trùng. Trong đó có 176 loài thuộc diện quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

    Những năm qua, Ban quản lý VQG Chư Mom Ray đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng thông qua các hoạt động nghiệp vụ, như: truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; tuần tra kiểm soát, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng các công trình lâm nghiệp hỗ trợ... Nhờ đó, độ che phủ rừng của VQG Chư Mom Ray năm 1996 là 86,4% và đến nay tăng lên 93,7%. Đây là diện tích bảo tồn các hệ sinh thái rừng, nơi phân bố, cư trú và môi trường sống của các loài động vật rừng. Rừng tự nhiên VQG Chư Mom Ray gồm các loại: rừng gỗ, rừng hỗn giao gỗ - tre nứa, rừng tre nứa và có một phần diện tích rừng bán thường xanh. Các loại rừng này phân bố đan xen, hình thành nhiều quần xã thực vật khác nhau, là môi trường sống và cung cấp nguồn thức ăn cho nhiều loài động vật rừng hoang dã. Diện tích đất không có rừng là 3.544,64 ha
    (chiếm 6,3%), gồm: đất trống không có cây tái sinh là các trảng cỏ nằm rải rác trong rừng tự nhiên; đất trống có cây tái sinh là các khu đất có cây gỗ lớn phân bố rải rác. Tuy không có rừng, nhưng các khu vực này là bãi kiếm ăn của nhiều loài thú ăn cỏ, nhóm thú móng guốc như bò tót, bò rừng, nai, heo rừng… và là nơi cư trú của gà rừng cùng một số loài thú nhỏ. Đáng chú ý là ở đây có đồng cỏ Ya Book rộng 16.772 ha, vào loại lớn nhất Việt Nam; là sinh cảnh sống của nhiều loài thú móng guốc và thú ăn thịt, như: mang Trường Sơn, trâu rừng, bò rừng, bò tót, sói đỏ, beo lửa, gấu ngựa, hổ Đông Dương… và hàng trăm loài bò sát, lưỡng cư. Trên những đỉnh núi cao như đỉnh Ngọc Vil (1.480 m), đỉnh Chư Đô (1.145 m), đỉnh Ngọc Tơ Ba (1.030 m) và đỉnh Chư Mom Ray (1.773 m) là nơi sinh sống của các loài linh trưởng và chim. Ở đây còn hiện hữu ba loài voọc vá chân nâu, chân xám và chân đen; các loài chim hồng hoàng, công, trĩ sao, gà tiền mặt đỏ... là những loài đặc hữu đẹp ở Chư Mom Ray.

    Đưa chúng tôi đến vườn sưu tập hoa lan, anh Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của VQG Chư Mom Ray, tâm sự: “Muốn bảo tồn và phát triển sinh vật trong VQG, chúng tôi phải tìm hiểu kỹ môi trường sống, sinh cảnh sống (độ ẩm, độ tán che…) rồi tiến hành nhân giống. Khi làm chủ được nguồn giống, giống phát triển nhiều và tốt sẽ lên kế hoạch đưa cây về rừng, tạo sự đa dạng các loài thực vật trong rừng. Năm 2019, VQG Chư Mom Ray tiếp nhận cứu hộ 14 cá thể động vật hoang dã do các cơ quan chức năng xử lý chuyển giao (công an, kiểm lâm các huyện). Sau cứu hộ, chúng tôi tổ chức thả 88 cá thể đủ điều kiện về môi trường tự nhiên. Ngoài ra, lưu giữ, chăm sóc, bảo tồn 122 loài lan rừng (1.864 giò); gieo ươm 3.000 cây bản địa (trắc, sao, dầu) để phục vụ công tác trồng bảo tồn nguồn gien thực vật quý hiếm”.

    Tiềm năng lớn cho du lịch sinh thái

    Đi dưới các tán cây cổ thụ, hít thở không khí trong lành với cái mát đến se se lạnh trong VQG Chư Mom Ray khiến chúng tôi dường như quên mất bây giờ đang là cao điểm mùa hanh, khô Tây Nguyên. Ở Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, mọi người được thỏa thích ngắm nhìn các loài lan rừng đang nở hoa tuyệt đẹp như thủy tiên vàng, hài táo, hài vân…; xem khỉ, chim trĩ, gà rừng, trăn, công... Dẫn chúng tôi lên thác Khỉ, dò dẫm bước trên những tảng đá nhấp nhô anh Trần Quốc Tuấn giới thiệu: Vì đang là cao điểm mùa khô không nhiều nước nên thác chưa thật đẹp. Lần sau có dịp, sẽ mời đoàn đến chiêm ngưỡng thác 7 tầng tung bọt trắng xóa; tham quan rừng lồ ô trải rộng bạt ngàn, ghé hang Dơi kỳ bí với quần thể dơi đông đúc hay dừng chân ở bãi thú Ya Book, suối Ngang, thác Nàng Tiên thơ mộng. Do VQG Chư Mom Ray chưa khai thác du lịch cho nên tất cả hoàn toàn tự nhiên, thậm chí chưa có đường mòn để đi. Muốn lên được đỉnh Chư Mom Ray, khách tham quan phải đi ít nhất hai ngày một đêm, phải trang bị đồ chuyên dụng leo núi. Một đoàn 10 người cần ít nhất bốn người dân địa phương đi kèm để vác theo thực phẩm, dù, bạt, đồ dùng cá nhân… Mỗi chuyến đi như vậy, người dân được trả 400 nghìn đồng/người. Giám đốc Đào Xuân Thủy cho biết: Hiện nay, có 5.580 hộ với 35.872 khẩu và 10.608 lao động định cư sinh sống sát ranh giới, ảnh hưởng trực tiếp đến VQG Chư Mom Ray; thu nhập bình quân dưới 20 triệu đồng một người mỗi năm. Phát triển du lịch sinh thái sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, hỗ trợ mục tiêu bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích đồng bào tham gia bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

    Với địa thế nằm gần cửa khẩu quốc tế Bờ Y (ngã ba Đông Dương), có đường Hồ Chí Minh chạy qua, VQG Chư Mom Ray có nhiều thuận lợi để khai thác các tuyến du lịch sinh thái, khám phá các khu rừng nguyên sinh cao hơn 1.000 m, quan sát thú lớn trên đồng cỏ; du lịch dã ngoại với thắng cảnh thiên nhiên đẹp và yên tĩnh như các thác nước, khu rừng sấu, rừng bằng lăng thuần loại. Đến thăm rừng quốc gia dịp này, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) hồ hởi nói với chúng tôi: “Lần đầu tham quan VQG Chư Mom Ray, tôi say sưa không muốn về bởi được hòa mình vào thiên nhiên với nhiều trải nghiệm thú vị. Thích nhất là ở đây không có tình trạng rác vứt bừa bãi như ở nhiều khu du lịch sinh thái. Cán bộ hướng dẫn tham quan thường xuyên nhắc nhở khách giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định… Tôi hy vọng VQG Chư Mom Ray sớm đưa vào khai thác du lịch sinh thái để đông đảo người dân trong nước và thế giới được thưởng thức vẻ đẹp trong trẻo này”.

    Du lịch sinh thái hiện đang là xu thế chung của nhiều địa phương, khu vực và trên thế giới. Loại hình du lịch này giúp đẩy mạnh bảo tồn sinh vật rừng, bảo vệ rừng bền vững; đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập của người dân chung quanh; giảm sự phụ thuộc về thu nhập của người dân vùng đệm vào tài nguyên rừng, bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội. VQG Chư Mom Ray thật sự là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Vì vậy, mong rằng các cấp, ngành chức năng ở Kon Tum sớm đưa vào khai thác các hành trình du lịch sinh thái tại VQG nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí của du khách, góp phần phát triển du lịch tại địa phương.

    Bài và ảnh: PHÚC THẮNG

     

    Nguồn: Báo Nhân dân

    Bình luận

    SẢN PHẨM & KHÓA HỌC TIÊU BIỂU