Thói quen đốt rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa của nông dân không chỉ lãng phí nguồn dinh dưỡng hữu cơ mà còn gây phát thải, ô nhiễm môi trường.
Tại Thái Nguyên, số ít rơm rạ thường được nông dân gom về làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò, còn lại hầu hết bà con đốt bỏ. Đất sau mỗi vụ lúa bị thiếu mùn hữu cơ, trong khi bà con lâu nay vẫn chủ yếu sử dụng phân hóa học.
Ngoài ra, tình trạng đốt đồng cũng khiến nhiều vi sinh vật hữu ích bị tiêu diệt nên đất trồng lúa ngày càng bị thoái hóa, mất khả năng cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ cây trồng trước các loại sâu bệnh hại...
Để giải quyết thực trạng trên, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình sản xuất lúa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ nhằm bảo vệ, cải thiện độ màu mỡ cho đất trồng lúa.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn người dân phối trộn chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa. Ảnh: Quang Linh.
Mô hình được triển khai thực hiện trong thời gian 5 tháng (từ tháng 5 - 10/2024) tại 3 huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và Định Hóa với diện tích 250ha, 1.308 hộ tham gia.
Để cánh đồng lúa của bà con áp dụng tốt tiến bộ kỹ thuật mới như quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), sản xuất an toàn theo VietGAP, hữu cơ, ngay sau khi kết thúc vụ xuân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai quy trình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học.
Các hộ nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… Sau khi được tập huấn quy trình sử dụng phân bón hữu cơ và tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ tại đồng ruộng thành phân bón hữu cơ, 100% các hộ tham gia mô hình đăng ký mua, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ với diện tích 130ha.
Tới từ sáng sớm ngóng chế phẩm sinh học
Nhận được tin cán bộ khuyến nông tỉnh về xã hướng dẫn bà con xử lý rơm rạ sau thu hoạch lúa, ngay từ sáng sớm, nông dân xã Hợp Thành, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã ra đồng, chuẩn bị phân, máy làm đất, chậu trộn… để học quy trình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học.
Bà con nơi đây ai cũng hồ hởi mong chờ, bởi vụ xuân vừa qua nhiều diện tích lúa bị bệnh, năng suất thấp.
Nông dân xã Hợp Thành (huyện Phú Lương) sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ. Ảnh: Quang Linh.
Là nông dân trồng lúa lâu năm tại xóm Quyết Tiến, xã Hợp Thành (huyện Phú Lương, Thái Nguyên), bà Ma Thị Hằng cho biết: Lâu nay sau mỗi vụ thu hoạch, bà con nơi đây đều thực hiện phát rạ, rồi vùi xuống đồng ruộng mà không sử dụng các chế phẩm sinh học.
Cách xử lý rơm rạ theo hướng truyền thống trên vừa tốn nhiều công sức, vừa không phát huy hết lượng đạm và các chất hữu cơ có trong rơm rạ. Minh chứng từ nhiều vụ lúa gần đây, bà con đều ghi nhận tình trạng lúa bị vàng lá, thiếu sức đề kháng trước các loại sâu bệnh hại do đất không còn nhiều chất dinh dưỡng.
Do đó, bà Hằng cùng nhiều nông dân tại Hợp Thành đều đặt kỳ vọng rất lớn việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sẽ đem tới vụ mùa bội thu.
Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri có công dụng phân giải nhanh các chất hữu cơ như rơm, rạ, xác động, thực vật, chất thải nông nghiệp, hạt cỏ dại… thành chất mùn, chất dinh dưỡng (phân bón hữu cơ) mà cây trồng dễ hấp thu, hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ, cây lúa không bị vàng lá, nghẹt rễ.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, ngay sau khi gặt lúa vụ xuân, bà con tiến hành đưa nước vào ruộng với mực nước ngập mặt ruộng từ 5 đến 10cm, tiến hành sử dụng chế phẩm sinh học Sumitri với liều lượng 1 gói 125g cho 1 sào Bắc bộ (360m2) trộn với 3 - 5kg đất màu hoặc phân bón rải đều trên ruộng. Sau đó, sử dụng máy làm đất ghép lồng trục chạy một lượt để đảo đều chế phẩm và làm đứt gốc rạ. Ngâm giữ nước trên ruộng khoảng 10 - 20 ngày (nếu thời tiết nắng, nhiệt độ cao thời gian ngâm giữ nước được rút ngắn lại).
Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ hứa hẹn sẽ tiết kiệm được 30 - 50% lượng phân bón, thuốc BVTV trong quá trình canh tác lúa. Ảnh: Quang Linh.
Sau thời gian ngâm, rơm rạ sẽ mục thành phân bón, đồng thời các hạt lúa rơi rớt lại, hạt lúa ma, hạt cỏ dại chưa mọc mầm sẽ bị thối hỏng, không thể nảy mầm.
Chế phẩm Sumitri là sản phẩm có nguồn gốc sinh học, thành phần chính là nấm đối kháng Trichoderma, Acid Humic, Acid Fuvic, có tác dụng phân giải nhanh cellulose.
Cùng với các nguyên tố vi lượng Mg, S, Zn, Cu, Ca, chế phẩm Sumitri có nhiều ưu điểm hơn so với các chế phẩm đã sử dụng như dễ sử dụng, chỉ cần trộn chế phẩm với cát, đất bột hoặc phân bón lót rải đều trên ruộng sau khi dập rạ lần đầu, thời gian rơm, gốc rạ hoai mục nhanh.
Nhiều lợi ích khi xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học
Để sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ đạt hiệu quả cao, bà Nguyễn Thị Lương, Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên) lưu ý bà con thời gian trống giữa vụ xuân và vụ mùa là rất ngắn. Do đó cần sử dụng chế phẩm theo đúng thời gian, liều lượng do nhà sản xuất ghi trên bao bì và theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông.
Có như vậy, việc sử dụng chế phẩm sinh học mới đem lại hiệu quả cao, giảm được tác nhân gây bệnh trên cây lúa, giúp bộ rễ phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Đồng thời đất được bổ sung hệ vi sinh hữu ích giúp ức chế vi sinh vật gây hại, giảm hẳn tác nhân gây bệnh từ đất.
Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho hay, việc triển khai mô hình nhằm mục đích hỗ trợ bà con phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để cải tạo đất lúa thoái hóa do sử dụng phân bón hóa học trong thời gian dài. Từ đó mang lại lợi ích kép, giúp cánh đồng lúa tại 3 huyện Đồng Hỷ, Phú Lương và Định Hóa tăng năng suất và chất lượng hạt gạo, giảm chi phí sản xuất nhờ tiết kiệm được phân bón, thuốc BVTV, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải trong canh tác lúa.
Nông dân tại nhiều địa phương ở Thái Nguyên mong muốn tiếp tục được hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ. Ảnh: Quang Linh.
Qua các mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri để xử lý rơm rạ cho thấy đã hạn chế được hiện tượng ngộ độc hữu cơ, lúa vụ mùa không bị vàng lá sau khi cấy, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Rơm và gốc rạ chuyển thành phân bón hữu cơ góp phần nâng cao độ phì của đất, tăng chất lượng nông sản. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri giúp giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế việc phơi rơm trên đường giao thông hoặc vứt xuống kênh mương gây tắc dòng chảy, cản trở giao thông.
Để lan tỏa rộng rãi nhận thức về tầm quan trọng của việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các huyện đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học cho nông dân các xã, thị trấn. Tập trung xây dựng sổ tay tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý rơm, gốc rạ bằng chế phẩm sinh học để thông tin, giới thiệu đến đông đảo cán bộ, hội viên nông dân qua các buổi tập huấn hoặc qua trang web của Trung tâm Khuyến nông tỉnh.
Bên cạnh hiệu quả về kinh tế từ việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, nông dân còn từng bước giảm sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó thúc đẩy thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới gắn với sản xuất hàng hóa.
Quang Linh
Nguồn: baonongnghiep
Băng keo tháp ghép cây - co giãn, tự dính, chống nước mưa & tự hủy
Được canh tác trong một vùng đất phù sa cù lao bằng phương pháp hoàn toàn tự nhiên, không phân thuốc hóa học và gần như ...
Nội dung sách có 09 chương: giới thiệu về tình hình sản xuất, tiêu thụ, nguồn gốc và phân bố; giống; đặc điểm ra hoa, phát triển trái; dinh ...
Không chỉ là loại chậu trồng đơn giản, tiện lợi (lắp ráp) mà tháp trồng rau hữu cơ còn là giải pháp 3 trong 1 - vừa là hệ thống xử lý giác ...
Dư lượng thuốc BVTV (thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh hại dùng trong nông nghiệp) là một trong những vấn đề nhức nhối và ...
Đối với các loại hoa trồng trong chậu tết thì thời gian sinh trưởng chỉ kéo dài hơn 2 tháng. Do đó, lượng dinh dưỡng đầy đủ và cân đối ngay ...